Thủ tướng Chính phủ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, đến hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Hiện chỉ còn chờ các cơ quan quản lý thực thi chính sách này. Thông tin phí trước bạ của các xe lắp ráp trong nước giảm một nửa tác động lớn đến tâm lý người mua xe hiện nay.

Hiện tại, lệ phí trước bạ đối với ô tô con được tính từ 10 - 12 % giá xe. Cụ thể: 8 địa phương có mức lệ phí trước bạ 12% gồm: Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ là 12%; Hà Tĩnh có mức phí trước bạ là 11%; TP Hồ Chí Minh và các khu vực còn lại chỉ áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%.

Mức giảm 50% phí trước bạ cho các dòng xe trong nước sẽ giúp người tiêu dùng giảm được một khoản tiền không nhỏ và theo dự đoán, phân khúc sôi động nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay là SUV/CUV và MPV sẽ có nhiều biến động nhất.

Với chính sách mới, các doanh nghiệp có nhiều mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước như Thaco (Trường Hải), Thành Công, VinFast, Toyota, Mercedes-Benz,.. sẽ được hưởng lợi. Trong khi đó, mhiều hãng xe sẽ phải "tính toán" lại chiến lược kinh doanh tại Việt Nam.

Phân khúc xe cỡ nhỏ (A,B): không quá nhiều biến động

Người mua có thể tiết kiệm 15 – 30 triệu đồng với mua các mẫu xe lắp ráp trong tầm giá từ 300 – dưới 600 triệu đồng khi chính sách giảm phí trước bạ được thực thi. Dù vậy, theo nhận định phân khúc này hiện nay sẽ không có quá nhiều biến động.

Phân khúc xe cỡ nhỏ (A,B) hiện nay đang là “cuộc chơi” của các mẫu xe lắp ráp trong nước như VinFast Fadil, Kia Morning, Hyundai Grand i10, Hyundai Accent, Toyota Vios…khi chiếm doanh số chủ yếu.

Trong khi đó, các mẫu xe nhập khẩu trong phân khúc này như Honda Brio, Jazz; Toyota Wigo, Yaris,…vốn đã kém xa về doanh số nay sẽ gần như mất hoàn toàn ưu thế trước các đối thủ đang được lắp ráp trong nước.

Phân khúc SUV/CUV

Trong khi đó ở phân khúc xe SUV/CUV, cuộc chiến diễn ra sẽ khốc liệt hơn. Tại thị trường Việt Nam đây hiện đang là phân khúc sôi động nhất với nhiều sản phẩm cạnh tranh. Rất nhiều mẫu xe nhập khẩu chiếm ưu thế ở phân khúc này như Honda CR-V, Toyota Fortuner (bản nhập khẩu), Ford Everest… khi có doanh số bán ra tốt. Khi chính sách giảm 50% phí trước bạ được áp dụng thì ở phân khúc xe tầm giá 1 tỷ đồng, người mua có thể tiết kiệm khoảng 50 – 60 triệu đồng. "Chính sách giảm nửa phí trước bạ sẽ khiến nhiều người mua xe phải “cân nhắc” lại", một nhân viên bán hàng chia sẻ.

Lấy ví dụ Toyota Fortuner hiện có 4 phiên bản được lắp ráp trong nước và 2 phiên bản nhập khẩu nguyên chiếc. Mẫu xe có giá bán 1 tỷ - 1,3 tỷ đồng. Nếu chọn phiên bản lắp ráp, khách hàng có thể tiết kiệm được tới triệu đồng. Tương tự với các thương hiệu khác nhau, ưu thế giảm phí trước bạ cũng sẽ khiến người mua phải tính toán lại sự lựa chọn giữa các dòng xe khi có thể tiết kiệm số tiền khá lớn.

Ở phân khúc hiện nay, Mazda CX-5, CX-8, Hyundai Tucson, Santa Fe, Nissan X-Trail, Mitsubishi Outlander, VinFast Lux SA 2.0… đang được lắp ráp trong nước. Trong khi đó các mẫu xe Honda CR-V, Nissan Terra, Ford Everest 2020, Mitsubishi Pajero Sport …đang được nhập khẩu.

Phân khúc xe sang: Mercedes-Benz có ưu thế lớn

Mercedes-Benz hiện là thương hiệu xe sang nắm giữ thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Đây cũng là thương hiệu xe sang duy nhất đang lắp ráp ở trong nước.

Nhà máy lắp ráp tại Việt Nam của thương hiệu “Ngôi sao 3 cánh” đang lắp ráp hầu hết các sản phẩm chủ lực của hãng tại thị trường Việt Nam như C – Class, E – Class, GLC hay sản phẩm cao cấp như S450…Chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với các dòng xe lắp ráp rõ ràng sẽ tăng thêm ưu thế cho Mercedes-Benz trong cuộc chiến với các đối thủ khi chi phí lăn bánh một mẫu xe “Mẹc” giảm khá lớn so với các thương hiệu khác như Audi, Lexus, BMW...

Lấy ví dụ mẫu xe giá rẻ nhất của hãng là C 180 có giá 1,399 tỷ đồng sẽ được giảm 70- 80 triệu đồng; E 180 có giá 2,05 tỷ đồng sẽ được giảm 100 – 120 triệu đồng. Mẫu Mercedes-Benz S450 Luxury có giá bán 4,869 tỷ đồng sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất, từ 243 - 292 triệu đồng.