Giám đốc đi trồng rau

Cách đây mấy năm, ông Nguyễn Hoàng Nam (Mỹ Đình, Hà Nội) có đầu tư mua một căn nhà tại Ba Vì làm chỗ đi nghỉ ngơi cuối tuần. Ngôi nhà xây dựng theo phong cách đồng quê, cả vườn hơn 2 tỷ đồng. Thời điểm ông mua, nhiều người trong gia đình còn phản đối. Căn nhà được thuê dọn dẹp và chăm sóc. Cũng do công việc nên thỉnh thoảng gia đình ông mới có dịp về ngôi nhà này vào cuối tuần.

Do tác động của Covid-19, xu hướng hạn chế tối đa các hoạt động xã hội và quyết định dành thời gian “nghỉ ngơi, vui chơi ngay tại không gian sinh sống quanh nhà” cũng dần lên ngôi. Ngoài khoảng thời gian làm việc, ông cùng con cái làm vườn, chơi thể thao, đọc sách,...

“Dịch bệnh cũng là một trong những tác nhân khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ về nơi ở. Thay vì quan tâm đến việc ở gần trung tâm bằng mọi giá, họ sẽ ưu tiên chất lượng cuộc sống hơn”, ông Nam nói.

{keywords}
Những biệt thự ngoại ô trở thành trào lưu

Theo ông Nam, trước đây, mọi người cứ nghĩ phải tới công ty để làm việc nhưng khoảng thời gian cách ly cũng là một cách thử bộ máy vận hành online một cách hiệu quả. Hầu hết các công việc vẫn diễn ra và có hiệu quả không kém làm việc trực tiếp nên xu hướng làm việc ở nhà, từ xa trong tương lai sẽ phát triển. Chính vì thế, những ngôi nhà thứ hai gần gũi với thiên nhiên sẽ thích hợp cho cả người trẻ, không còn quan niệm chỉ người già như trước đây.

Cũng theo ông Nam, hiện quan điểm "sống" của người dân cũng đang thay đổi. Trong đó, xu hướng “tối ở nông thôn, sáng đi ô tô vào thành phố làm việc” đang được rất nhiều gia đình trẻ hưởng ứng.

Sau hơn 1 tháng sống ở quê, bà Đỗ Mai Hương, Giám đốc một công ty truyền thông, cũng khá lưu luyến khi rời đi. Khoảng thời gian nghỉ làm việc ở nhà do Covid-19 khiến bà suy nghĩ lại về cách sống. Mua lô đất nhà vườn ở Hoà Bình gần chục năm nay nhưng ít khi bà có dịp ở lại đây lâu như vậy. Trước đây, gia đình bà chỉ về dịp cuối tuần để lấy thực phẩm. Con cái bận học hành nên cả gia đình không có khoảng thời gian thực sự dành cho nhau.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, không được đi lại nhiều, bà quyết định đưa cả nhà về đây một thời gian. Sống trong không gian gần gũi thiên nhiên, nhiều cây xanh, bà cũng thấy khoẻ hơn. Ngoài công việc, bà dành nhiều thời gian bên con chơi thể thao, trồng rau, hái quả.

“Từ khi sống quen ở vùng quê, gia đình mình lại thấy chán khi về phố. Trở lại cuộc sống đô thị bận rộn, ai cũng mệt mỏi. Nhưng giờ nói về quê ở thì cả nhà ai cũng hào hứng, không như trước đây”, chị nói.

Xóm “Hà Nội”

Xu hướng dịch chuyển ra khu vực vùng ven với không gian sống xanh mát, trong lành của người dân Hà Nội đã manh nha từ nhiều năm trước. Những người có tầm nhìn như ca sĩ Mỹ Linh, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng rất nhiều gia đình nghệ sĩ khác đã chuyển ra vùng ven từ nhiều năm trước. Họ cảm thấy quyết định của mình thực sự sáng suốt và đúng đắn!

Covid-19 xảy ra buộc phải hạn chế tối đa các hoạt động xã hội và xu hướng dành thời gian “nghỉ ngơi, vui chơi ngay tại không gian sinh sống quanh nhà” dần lên ngôi. Điều này, tất yếu thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm những dự án bất động sản xanh, tiện ích đồng bộ, hiện đại, có lợi cho sức khỏe của đại đa số các cư dân đô thị.

{keywords}
Nhu cầu ở ven đô ngày càng tăng

Theo ông Văn Dũng Chinh, Tổng giám đốc Vina Real, nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ hai luôn tồn tại, nhưng phải đến khi cú sốc đại dịch Covid-19 tràn tới thì mới bùng phát mạnh mẽ do người dân thay đổi suy nghĩ về cuộc sống. Dịch bệnh đã thôi thúc mong muốn trong mỗi người tìm kiếm một khoảng trời riêng dành cho gia đình để phòng tránh những rủi ro. "Càng có dịch bệnh, cuộc sống đô thị càng bận rộn, ngột ngạt thì nhà vườn ven đô càng có sức hút đối với khách hàng, nhà đầu tư", ông Chinh nói thêm.

Nhận định về xu hướng, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô, cho biết, mô hình nghỉ dưỡng nhà vườn, biệt thự ngoại ô của nhà giàu Hà Nội dần hình thành những cộng đồng. Họ hội tụ thành một quần thể, được gọi là “xóm Hà Nội”.

Lý giải cho hiện tượng tâm điểm mới đầu tư chuyển dịch về ngoại ô, ông Trung cho rằng lực đẩy từ nội đô là động lực hình thành thị trường nghỉ dưỡng. Khi các thông tin về ô nhiễm, sự chật chội đẩy nhanh mức độ nhận thức của người dân khiến đa số người dân nội đô bị thôi thúc việc tìm đến không gian xanh như một việc tất yếu.

Trong bối cảnh không thể đi đến các vùng xa để du lịch thường xuyên, thì ngoại ô là giải pháp được nghĩ đến. Điều đó khiến nhu cầu khách du lịch ngoại ô tăng vọt và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô cũng tăng theo. Như tỉnh Hòa Bình có tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch 20%/năm và cũng đang là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư lớn.

Các chuyên gia dự báo, ảnh hưởng của Covid-19, nhiều sản phẩm bất động sản sẽ bị ảnh hưởng, nhưng nghỉ dưỡng ven đô đang trở lại như chú cá có thể bơi ngược dòng thị trường lúc này.

Duy Anh