Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, đề án thu phí phương tiện ô tô vào nội đô mới chỉ là nghiên cứu, đề xuất của Sở báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo đề xuất, mức phí thu dựa trên 3 nguyên tắc. Thứ nhất không nhằm thu ngân sách, mà là biện pháp tài chính tác động đến người tham gia giao thông, đảm bảo chi cho việc tổ chức thu phí, phương án bảo trì, vận hành.

{keywords}
Chuyên gia giao thông nêu lý do Hà Nội chưa thể thu phí phương tiện nội đô

Thứ hai, phải đủ tác động đến hành vi của người tham gia giao thông. Thứ ba, phải phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo khả năng chi trả của người dân.

Mức phí tạm tính 100.000 đồng trở lên mới có tác dụng điều chỉnh hành vi. Khung mức thu phí được tạm xác định từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt. Mức cụ thể sẽ căn cứ vào khảo sát phương tiện, mức đầu tư cụ thể...

Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ trình HĐND TP thông qua Đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông tại kỳ họp cuối năm 2021. 

Từ năm 2022-2023 hoàn thiện các điều kiện thu phí; xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí, phương án tài chính, quản lý chi phí..

Năm 2024 trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024.

Về đối tượng thu phí, các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông (Trừ các xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa...). Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định.

Các đối tượng được giảm phí gồm: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi...).

Không thể chờ vận tải công cộng tốt lên mới làm

Xung quanh ý kiến, đề án thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội thiếu thuyết phục, không khả thi do phương tiện vận tải công cộng của TP chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu người dân, ông Viện chia sẻ, nhiều quan điểm cho rằng phải phát triển vận tải công cộng thì mới hạn chế phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế qua nghiên cứu cho thấy, hai vấn đề này phải tác động tương hỗ với nhau, nếu không hạn chế phương tiện cá nhân thì vận tải công công không thể phát triển được.

Hiện tại tỷ lệ vận chuyển hành khách của xe buýt hiện nay mới được 12%, nhưng thực tế là đi xe máy tiện quá nên người dân không lựa chọn xe buýt. Trừ giờ cao điểm đông, còn bình thường xe buýt 80 chỗ chỉ chở có 10 - 20 khách. 

Về năng lực, vận tải công cộng hoàn toàn có thể đạt tới 50%, nhưng do ùn tắc, tốc độ xe buýt trong nội đô chậm nên người dân không lựa chọn. Không thể nói là vận tải công cộng chưa tốt nên chưa hạn chế xe cá nhân, mà phải làm song hành. 

“Với phí phương tiện cá nhân vào nội đô mọi người rất băn khoăn, nhưng tôi nghĩ đây là cần thiết để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. Những người đi xe cá nhân không cần thiết sẽ không đi vào vùng thu phí, trong khi các xe vận tải hàng hoá không bị thu phí, nên không làm tăng chi phí xã hội”, ông Viện thông tin thêm.

{keywords}
Bản đồ dự kiến đặt 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô

Về phạm vi thu phí, căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Đường Hoàng Sa – Đường Trường Sa – Đường Lý Sơn – Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Với vành đai thu phí như trên, dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. Phạm vi thu phí này có điều kiện để các xe ô tô các tỉnh thành phố không cần thiết đi qua khu vực thu phí có điều kiện đi ra ngoài khu vực thu phí.

Khi được hỏi đề án có tới 87 trạm thu phí được dựng quanh vành đai 3, điều này có dẫn tới tình trạng trạm thu phí dày đặc quanh nội đô, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, các trạm thu phí sẽ kết nối với với Trung tâm điều hành giao thông thông minh của TP.

Trạm thu phí sẽ tương tự như các giá long môn biển báo giao thông trên các tuyến đường, gắn camera nhận diện, quét biển số xe để thu tiền. 

Trạm thu phí không dựng barie hay rào chắn, không có làn luồng như trạm BOT nên không ảnh hưởng đến mỹ quan hay gây ùn tắc.

Như tốc độ của Singapore hiện nay thì xe chạy 70 km/giờ vẫn thu phí được, còn đường nội đô của hiện nay thì xe chạy 50 km/h. Về lâu dài khi đề án được thông qua, sẽ phải nghiên cứu thêm cơ chế pháp lý về xử lý xe chậm nộp phí hay trốn thu phí.

Vũ Điệp

Đại biểu Quốc hội hiến kế nếu Hà Nội muốn thu phí ô tô vào nội đô

Đại biểu Quốc hội hiến kế nếu Hà Nội muốn thu phí ô tô vào nội đô

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu Hà Nội muốn thu phí ô tô vào nội đô thì phải đi kèm với hệ thống giao thông công cộng phát triển để tạo ra nhiều lựa chọn cho người dân.