Nội dung trên được GS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu trong buổi giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM về công tác y tế cơ sở chiều 10/11.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu nhiều kiến nghị để thu hút và giữ chân nhân lực y tế cơ sở. |
Sau đợt dịch Covid-19 lần 4, một trong những bài học kinh nghiệm ngành y tế rút ra là công cuộc chống dịch phải sử dụng 2 mũi giáp công: năng lực điều trị các bệnh viện tầng 2, tầng 3 và chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng.
Ông nhận định, khi triển khai mũi giáp công chăm sóc F0 tại nhà, TP mới giảm được số ca nặng và ca tử vong.
Cũng chính trong đợt dịch vừa qua, những điểm yếu của y tế cơ sở cũng đã bộc lộ. Trước đây, TP luôn tự hào về y tế chuyên sâu nhưng nhìn lại mới thấy những điểm yếu chết người khi dịch bùng phát.
Giám đốc Sở Y tế cho biết, thành phố có 310 trạm y tế nhưng hơn một nửa chưa có trưởng trạm. Tình trạng này đã kéo dài từ lâu. Trước đây, các Trung tâm y tế quận huyện, Trạm y tế phường xã trực thuộc UBND quận huyện. Tiêu chí bổ nhiệm trưởng trạm do quận huyện quyết định.
Khi chuyển các Trung tâm và Trạm y tế về Sở y tế quản lý, theo các tiêu chí của ngành, không ai đủ điều kiện là trưởng trạm. Do đó, hơn một nửa trạm y tế của TP.HCM đang bỏ trống chức danh này.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng |
"Không ai chịu về trạm y tế”, Giám đốc Sở Y tế phát biểu khi nhận định về tình hình nhân lực y tế cơ sở.
Hiện nay, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 10.000 dân tại TP.HCM chỉ đạt 2,31. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06). Sở Y tế kiến nghị tăng mức trần biên chế tại trạm y tế lên gấp đôi hiện tại, tức là 20 người/trạm để đảm bảo nhân lực.
Trong buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế trải lòng: “Đợt dịch vừa qua, mỗi ngày tôi đều ký 1 tập đơn xin nghỉ việc của nhân viên trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện”.
Ông cho rằng, ngoài chính sách thu hút, TP cần có chính sách để giữ chân nhân viên y tế ở lại với cơ sở. Sở Y tế đề xuất bác sĩ tại trạm y tế được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, trình độ Đại học, y sĩ hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng, trình độ Cao đẳng 3 triệu đồng/tháng.
Trước đây, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ phân bổ các bác sĩ mới tốt nghiệp về các bệnh viện. Bác sĩ thực hành 18 tháng tại bệnh viện, được cấp chứng chỉ hành nghề và tiếp tục công tác tại đây.
GS Tăng Chí Thượng cho rằng, quy trình trên tạo tâm lý yên tâm công tác cho các bác sĩ, điều dưỡng nhưng không tạo động lực phát triển cho nhân viên y tế. Người thầy thuốc trẻ không có sự dấn thân hay luân phiên xuống y tế cơ sở.
Vì vậy, Sở Y tế kiến nghị UBND TP cho phép bác sĩ, điều dưỡng mới ra trường được thực hành ở y tế cơ sở 12 tháng. 6 tháng còn lại thực hành tại bệnh viện. Trong quá trình thực hành, bác sĩ được TP hỗ trợ một phần chi phí từ ngân sách.
Trạm Y tế phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức phát thuốc cho F0 trên địa bàn. |
Trước đó, Ban văn hóa xã hội - HĐND TP.HCM đã trực tiếp khảo sát hoạt động y tế cơ sở tại trạm y tế phường 1 quận 3, phường 5 quận 3, xã Vĩnh Lộc B - huyện Bình Chánh. Mỗi nơi có một đặc thù riêng về mật độ dân số, mô hình y tế công tư.
“Đợt dịch vừa qua, ai cũng thấy các trạm y tế rất mệt mỏi, lúng túng. Từ cách làm việc đến ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Phạm Đăng Khoa, thành viên đoàn giám sát phát biểu.
Ông Khoa cho rằng, để giữ chân bác sĩ ở trạm y tế phường xã, không chỉ cần có tiền, mà còn cần môi trường làm việc, điều kiện nâng cao tay nghề và phát triển trong nghề nghiệp. Ông dẫn chứng, huyện Bình Chánh đề xuất bác sĩ trạm y tế được khám chữa bệnh ngoài giờ để có thêm thu nhập.
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Linh Giao
Trưởng trạm y tế ở TP.HCM trải lòng về những ngày ám ảnh trong dịch Covid-19
“Có đêm, tôi đưa bệnh nhân Covid-19 đến 3 bệnh viện nhưng không chỗ nào nhận. Người bệnh gọi đến từ khắp nơi, chúng tôi kiệt sức. Chúng tôi sợ cả tiếng chuông điện thoại”.