Thông tin tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho thấy năm nay, huyện tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chú trọng đến hỗ trợ cho người có công và các hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 0,73%, với 298 hộ. Ngoài ra, huyện còn 919 hộ cận nghèo, chiếm 2,24%.
Thu nhập bình quân đầu người ở địa phương tăng mạnh so với đầu kỳ Chương trình, đạt 75,3 triệu đồng/người/năm, đã tăng 25,3 triệu đồng so với năm 2021. Đến nay, Mỹ Xuyên là một trong những huyện có số hộ nghèo giảm nhanh và tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất ở tỉnh Sóc Trăng.
Quan tâm đến công tác tạo việc làm cho người lao động, trong đó có lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, huyện Mỹ Xuyên thường xuyên phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm.
Cuối tháng 10, phiên giao dịch việc làm lần 2 năm 2024 được tổ chức thu hút sự tham gia của 4 doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong tỉnh và xuất khẩu lao động. So với phiên lần một, ở phiên lần 2 này có thêm hai đơn vị mới tham gia giới thiệu chương trình đào tạo và đưa người lao động sang làm việc ở Nhật Bản và du học nghề tại Đức. Tham gia phiên giao dịch, gần 200 đoàn viên, thanh niên và người lao động đã được cung cấp thông tin về các vị trí đang tuyển dụng, được các doanh nghiệp tư vấn và trao đổi trực tiếp, giúp họ có cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Bên cạnh đó, người lao động còn được tư vấn về các chương trình hỗ trợ vay vốn và Đề án đưa người lao động Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Trước đó, trong tháng 5, thực hiện Tiểu dự án 3, thuộc Dự án 4, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Xuyên tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm tại trung tâm huyện và các xã, thị trấn. Đây là cơ hội để lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các công ty giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc làm, lao động ở nước ngoài và các chế độ, chính sách hỗ trợ.
Tạo sinh kế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình là giải pháp hữu hiệu trong triển khai công tác giảm nghèo tại Mỹ Xuyên.
Huyện chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người dân biết cách chuyển đổi ngành nghề. Riêng nửa đầu năm 2024, huyện Mỹ Xuyên đã mở được 14 lớp dạy nghề cho lao động như: Trồng màu; nuôi cua; chăm sóc cây cảnh và chăn nuôi gà có hơn 252 học viên. Người lao động sau khi học nghề được bổ sung thêm kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản… qua đó có thể áp dụng kiến thức đã học kết hợp kinh nghiệm thực tiễn để tăng năng suất, tiết kiệm được chi phí trong sản xuất.
Mở các lớp đào tạo nghề đan đát (gia công sản phẩm thủ công từ cây lục bình) được xem là mô hình tiêu biểu góp phần giảm nghèo ở huyện Mỹ Xuyên, giúp những hộ dân nhàn rỗi có thêm thu nhập.
Gia đình chị Trần Vươl (xã Tham Đôn) vốn rất nghèo khó, thu nhập gia đình phụ thuộc vào việc trồng rau màu buôn bán hàng ngày, nuôi hai con ăn học. Từ khi bà được tham gia lớp đào tạo nghề đan đát, thu nhập của gia đình tăng thêm gần 4 triệu đồng/tháng. Nhờ sự chăm chỉ của chị, cộng với tiền lương chồng phụ vào, gia đình chị sống cần kiệm, chắt bóp chăm lo cho 2 con đến trường đầy đủ, đúng tuổi, lại tự xây dựng được căn nhà khang trang, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cũng tham gia lớp đào tạo nghề đan đát, bà Sơn Thị Sương (63 tuổi, xã Tham Đôn) tự tăng thu nhập thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng để chủ động đóng tiền điện, nước, mua đồ ăn hàng ngày, thay vì chờ đợi người khác giúp đỡ.
Không chỉ chị Vươl, bà Sương, hàng trăm chị em phụ nữ, người già, lao động nhàn rỗi tại huyện Mỹ Xuyên đã có công việc làm, tăng thêm thu nhập nhờ tham gia đào tạo và thực hành nghề đan đát này.