Sơn La được coi là một trong những điểm sáng về nông nghiệp của cả nước nhờ xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, đặc biệt là đối với bà con dân tộc thiểu số.

Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, khí hậu và con người để phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đa ngành với nhiều loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao; trong đó, cây xoài được xác định là một trong những loại nông sản chủ lực, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Sơn La sớm trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị.

W-lienket.png
Sơn La đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao.

Qua đó, Sơn La đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa Công ty CP Mía đường Sơn La với hơn 10.500 hộ tham gia, diện tích trên 9.200ha; chuỗi liên kết sản xuất giữa Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu với 558 hộ tham gia, 27.790 bò sữa; liên kết sản xuất giữa Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La với 10.700 hộ tham gia, diện tích 20.000ha cà phê Arabica...

Với mục tiêu hình thành chuỗi liên kết "4 nhà" gồm: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học, huyện Thuận Châu đã vận động người dân trồng xoài tham gia thành lập các hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, nhằm tạo sự thuận lợi trong quá trình chăm sóc cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Được thành lập từ năm 2017, Hợp tác xã nông nghiệp bản Bon, huyện Thuận Châu hiện có gần 80 thành viên tham gia. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã đã khảo sát, lựa chọn địa điểm, triển khai trồng hơn 100 ha xoài tượng da xanh; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70% tiền mua cây giống. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với cán bộ kỹ thuật của các hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tỉa hoa, bọc quả bằng túi giấy sinh học.

Hiện nay, đối với các hộ dân và hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp, việc thu mua, bao tiêu sản phẩm được thực hiện ngay tại vườn. Xoài sau khi thu hoạch được công ty cử công nhân tới tận nơi phân loại, đóng gói bước một. Sau khi vận chuyển tới nhà kho, xoài sẽ tiếp tục được phân loại, đóng gói bước 2, trước khi vận chuyển, xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, đời sống của bà con đã được cải thiện.

Cùng với quả xoài, cà phê cũng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Sơn La. Nhiều năm nay, hàng trăm hộ trồng cà phê ở Thành phố Sơn La không còn bị tư thương ép giá nhờ liên kết sản xuất với HTX cà phê Bích Thao. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết không chỉ giúp bảo đảm đầu ra ổn định, còn làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Các mô hình đã góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho hội viên nông dân.

Hoạt động của các cấp Hội Nông dân địa phương đã góp phần đưa Sơn La từ một tỉnh nghèo, khó khăn đã vươn lên trở thành "hiện tượng nông nghiệp” của cả nước, đứng thứ hai về diện tích trồng cây ăn quả.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Trong đó, Chính phủ sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia; TƯ Hội Nông dân tập trung đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp gắn với phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị…

Quốc Tiến và nhóm PV