W-giam-ngheo-thong-tin-quang-tri-2.jpg
Đoàn viên, thanh niên Thành đoàn Đông Hà hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến, góp phần giảm nghèo về thông tin.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị, để người dân không thiếu hụt về thông tin, việc phổ cập dịch vụ internet, phổ cập mạng di động và đưa thông tin về cơ sở... có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay. 

Trong giai đoạn từ năm 2021- 2025, Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin thực hiện hỗ trợ người dân tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ viễn thông.

Từ đó, tập trung hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo qua nhiều hình thức, trong đó đặc biệt chú trọng công tác giảm nghèo về thông tin như kịp thời phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế gia đình; gương điển hình thoát nghèo; các thông tin cần thiết liên quan đến công tác giảm nghèo về thông tin, nhất là các chính sách giảm ghèo, an sinh xã hội, việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo thông tin năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, thông tin, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

W-giam-ngheo-thong-tin-bac-lieu-2.jpg
Triển khai mạng di động 5G tại Bạc Liêu. 

Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong Bộ tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Để “tăng giàu” về thông tin cho người dân nói chung, hộ nghèo, cận nghèo nói riêng, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước và địa phương. 

Hình thức thông tin, tuyên truyền phong phú, đa dạng như: trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, các cuộc họp... Nhờ vậy mà thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng, giúp mọi người nắm bắt được thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Trong CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6) xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. 

Tiểu dự án đặt mục tiêu đảm bảo 100% xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở các khu vực này. 

Theo đó, hiện nay, toàn tỉnh có 100% xã có hạ tầng thông tin di động phủ sóng với 1.215 vị trí trạm BTS, đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; 100% xã, phường, thị trấn có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng rộng; sóng di động 3G, 4G đã phủ 100% diện tích và dân số trong tỉnh.

Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong giai đoạn tới là thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để họ chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số đang đi sâu vào cuộc sống và tạo ra những cơ hội mới cho người dân. Việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống và được tiếp nhận mọi dịch vụ công bằng, bình đẳng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Kiều Nga và nhóm PV, BTV