Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương khá chặt chẽ. 

Tổng số vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến hết tháng 8/2023 ước 717,686 tỷ đồng, đạt 77,6% kế hoạch vốn. 

Cụ thể: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 645,984 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 37,453 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 34,249 tỷ đồng.

anh chup man hinh 2023 12 08 luc 090202.png
Ninh Bình hiện có 149 sản phẩm được công nhận OCOP.

Được biết, trong đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục là phong trào sôi nổi trên toàn tỉnh.

Nhờ vậy, kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực, trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo, tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Công tác bảo vệ môi trường ngày càng được thực hiện tốt hơn, hầu hết các xã, thôn đã triển khai phân loại rác tại hộ gia đình. 

Đến nay, có 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 33/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 27,7%); 15/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 12,6%); có 396 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện Yên Khánh và Hoa Lư đã hoàn thiện hồ sơ tự đánh giá kết quả huyện nông thôn mới nâng cao. 

Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình có 149 sản phẩm được công nhận OCOP. 

Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, là tỉnh tự cân đối ngân sách, nền kinh tế của Ninh Bình dựa trên 3 nền tảng chính là: công nghiệp sản xuất ô tô, du lịch và nông nghiệp. Đặc biệt, tỉnh rất quan tâm tới nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như các vấn đề an sinh xã hội và đã có nhiều chính sách riêng dành cho các vấn đề này. Bởi vậy, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đạt được những kết quả rất quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả và đảm bảo tính bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia; chú trọng công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của chương trình nhằm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua. Ông đề nghị, thời gian tới tỉnh Ninh Bình tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, phân công, phân nhiệm rõ ràng, hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình một cách cụ thể. 

Ông Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý, ngoài quan tâm đến các đối tượng hộ nghèo, tỉnh cần đặc biệt hỗ trợ các hộ cận nghèo vì ranh giới giữa cận nghèo và nghèo rất mong manh. Bên cạnh đó, mọi chế độ, chính sách cần được thực hiện công khai, minh bạch tạo sự tin tưởng cho người dân.

Thanh Hải

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV