1. Giáo sư Văn Tần từ chối nhận chức Giám đốc của bệnh viện nào?

  • Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM)
  • Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM)
  • Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội)
Chính xác

Giáo sư Văn Tần (1932-2023) dành trọn cuộc đời làm việc tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - một trong những chiếc nôi của ngành ngoại khoa TP.HCM và các tỉnh phía Nam. 

Ông từng là Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện. Từ năm 1981, ông đảm nhận chức vụ Phó giám đốc. Sinh thời, Giáo sư Văn Tần nhiều lần khẳng định yêu thích điều trị, phẫu thuật, nghiên cứu, đào tạo giảng dạy nên chỉ nhận làm phó giám đốc chuyên môn.

Ông đã từ chối chức Giám đốc Bệnh viện Bình Dân khi lãnh đạo thành phố yêu cầu, cũng vì lý do này. Với hơn 30.000 ca mổ trong cuộc đời thầy thuốc, ông được tôn vinh là bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam, phẫu thuật gan đứng thứ nhì cả nước và là bác sĩ Việt Nam đầu tiên thực hiện phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm ngực, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng.

Giáo sư Văn Tần qua đời ngày 4/9/2023 ở tuổi 92 nhưng thời gian làm việc kéo dài đến tận những tháng cuối cùng. Tháng 4/2023, ông vẫn tham dự và phát biểu chuyên môn tại Hội nghị khoa học công nghệ Bệnh viện Bình Dân lần thứ 20.

Giáo sư gặp một tai nạn ngã gãy xương và sức khỏe yếu dần.

2. Trong phòng làm việc tại Bệnh viện Bình Dân, Giáo sư Văn Tần treo một bức chân dung. Đó là chân dung của ai?

  • Một người bạn thân
  • Người thầy
  • Gia đình
Chính xác

Trong phòng làm việc của Giáo sư Văn Tần tại Bệnh viện Bình Dân, hình ảnh của Giáo sư Phạm Biểu Tâm được treo trang trọng. Đây là người thầy mà Giáo sư Văn Tần trọn đời tôn kính, đã dẫn dắt từ khi ông mới vào nghề.

Giáo sư Phạm Biểu Tâm là cánh chim đầu đàn của ngành ngoại khoa, là một trong hai người Việt Nam đầu tiên đậu bằng thạc sĩ y khoa tại Pháp vào năm 1948.

Trở về nước, ông giảng dạy tại Đại học Y khoa Hà Nội, làm Giám đốc Bệnh viện Yersin, Phó giám đốc Trường Quân y trước khi cùng gia đình vào Nam năm 1954.

Tại đây, Giáo sư Tâm trở thành Giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại khi Bệnh viện Bình Dân thành lập. 

3. Giáo sư Văn Tần là phẫu thuật viên chính trong ca mổ nổi tiếng nào tại Việt Nam?

  • Phẫu thuật song sinh Việt - Đức
  • Ca phẫu thuật thần kinh
  • Ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam
Chính xác

Giáo sư Văn Tần với vai trò phẫu thuật viên chính cùng giáo sư Trần Đông A, giáo sư Trần Thành Trai đã thực hiện ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh Việt - Đức, năm 1988. 

Đức và Việt chào đời năm 1981 tại Kon Tum, có hình hài khác thường, dính liền nhau vùng bụng chậu, chung một đôi chân. Hai đứa trẻ sơ sinh bị gia đình bỏ lại trạm xá xã. Sau hơn một năm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), đầu tháng 12/1982, hai anh em được Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cưu mang.

Ca phẫu thuật huyền thoại tách rời hai anh em diễn ra ngày 4/10/1988, trở thành dấu mốc son trong lịch sử y học Việt và được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Ca mổ tách quy tụ đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi nhất Việt Nam lúc bấy giờ đã thành công tốt đẹp sau 15 giờ với 3 phẫu thuật viên chính là các Giáo sư: Trần Đông A, Trần Thành Trai và Văn Tần.

Sau ca đại phẫu, 2 anh em Nguyễn Việt và Nguyễn Đức tiếp tục sống tại Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Việt bị bại não, qua đời năm 2007 do viêm phổi, xuất huyết đường tiểu và suy thận. 

Nguyễn Đức lớn lên trở thành nhân viên Làng Hòa Bình, lập gia đình và có 2 con sinh đôi. Năm 2017, Giáo sư Văn Tần tiếp tục là cố vấn cho ca phẫu thuật thận của anh Nguyễn Đức tại Bệnh viện Bình Dân. 

4. Thói quen nổi tiếng của Giáo sư Văn Tần là gì?

  • Thăm bệnh từ 5h sáng
  • Không sử dụng điện thoại
  • Không mở phòng mạch tư
  • Tất cả các ý trên đều đúng
Chính xác

Tất cả nhân viên và người bệnh tại Bệnh viện Bình Dân đều thuộc lịch trình làm việc rất đặc biệt của Giáo sư Văn Tần.

Ngày nào ông cũng đến bệnh viện từ 5h sáng để thăm khám cho người bệnh, bắt đầu từ những ca phức tạp đến các ca nhẹ hơn để lưu ý cho các bác sĩ điều trị trong giờ giao ban.

Ông dành nhiều thời gian trong phòng làm việc để nghiên cứu và viết sách. Khi Giáo sư Văn Tần rời bệnh viện về nhà tại TP Thủ Đức, thành phố cũng lên đèn.

Ông nổi tiếng là vị bác sĩ làm việc không nề hà, vô vụ lợi, phẫu thuật không mệt mỏi. Suốt cuộc đời, ông không mở phòng mạch, ở bệnh viện bất kể ngày hay đêm, toàn tâm toàn ý lo cho người bệnh. 

Giáo sư cũng không sử dụng điện thoại di động vì ông thấy “không cần thiết” và có thể khiến mình không tập trung. Mỗi ngày, ông vẫn chủ động tiếp cận với học trò và thế giới thông qua chiếc máy tính xách tay. 

5. Hiện nay, Bệnh viện Bình Dân nổi tiếng nhất với kỹ thuật nào?

  • Phẫu thuật robot
  • Phẫu thuật thẩm mỹ
  • Phẫu thuật động mạch
Chính xác

Tại Việt Nam, phẫu thuật robot được áp dụng đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào năm 2015. Đến năm 2016, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) là đơn vị đầu tiên thực hiện phẫu thuật robot trên người lớn.

Phẫu thuật robot có ưu thế nhờ hình ảnh 3D, độ phóng đại lớn, khả năng phân tích tốt vùng chật hẹp và bảo tồn chức năng các cơ quan, mang lại lợi ích cho bệnh nhân. Ban đầu, các bác sĩ phải qua Hàn Quốc hoặc Mỹ để đào tạo.

Hiện nay, Bệnh viện Bình Dân đã có thể đào tạo tại chỗ cho phẫu thuật viên và được cấp chứng chỉ quốc tế. Thời gian phẫu thuật robot giảm từ 6-7 giờ nay chỉ còn 1,5 - 4 giờ.  

Tính đến năm 2022, sau 6 năm triển khai phẫu thuật robot, Bệnh viện Bình Dân đã phẫu thuật cho 1.804 người. Riêng năm 2023, thống kê cho thấy có gần 500 bệnh nhân được phẫu thuật robot tại đây.

Hiện, phẫu thuật robot được áp dụng tại nhiều bệnh viện trên cả nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Vinmec Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức…