Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, để tiếp tục duy trì kết quả bền vững, từng bước nâng cao các tiêu chí nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban và phân công cụ thể cho từng thành viên.
UBND xã đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng thời quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn xã về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Giao Thịnh là xã thuần nông, nhân dân có truyền thống trồng lúa nước từ lâu đời, lao động cần cù, sáng tạo. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, lấy dân làm gốc nên được nhân dân tin tưởng, đó là yếu tố tiên quyết, là điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Xã có tuyến đường Quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489b; với hệ thống giao thông nội đồng được phân bố kín các vùng cánh đồng, hệ thống kênh mương tưới tiêu thuận lợi, chủ yếu lấy nước tự nhiên từ hệ thống sông Cồn Giữa, Bạch Ra kênh cấp I, II, III phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống lụt, bão.
Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu nông nghiệp đang được chuyển dịch theo hướng tích cực; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản từng bước phát triển tăng trưởng bền vững.
Nguồn lao động dồi dào, ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản từng bước đẩy mạnh, tạo thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống nhân dân.
Để tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức cho người dân, chủ thể của phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, công tác thông tin tuyên truyền đã được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng như:
Thường xuyên coi trọng và triển khai tích cực công tác quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của cấp trên và của xã về xây dựng nông thôn mới nâng cao, từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trong tuyên truyền nhất quán phương châm chỉ đạo “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ; người dân làm chủ thể, Nhà nước định hướng, hướng dẫn tổ chức và hỗ trợ thực hiện; lấy xóm làm địa bàn chỉ đạo thực hiện nông thôn mới”. Từ đó cán bộ và nhân dân đã nhận thức ngày càng rõ và đúng đắn hơn về bản chất, nội dung, phương châm bước đi, cách làm nông thôn mới nâng cao và chủ động tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trong quá trình tuyên truyền đã coi trọng phát động phong trào thi đua tới các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, các mạnh thường quân, con em đang sinh sống công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng chung tay với địa phương để xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Thường xuyên tuyên truyền công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao trên hệ thống truyền thanh của xã, các hội nghị của xã, của xóm, thường xuyên nêu tấm gương điển hình về công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao làm tấm gương để mọi người noi theo.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, chính trị xã hội thường xuyên tuyên truyền cho các thành viên, hội viên tích cực hưởng ứng phong trào, các cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như trồng hoa, lắp đặt bể xử lý rác hữu cơ, hệ thống xử lý thu gom nước thải trong khu dân cư.
Trong những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của mọi tầng lớp nhân dân, Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như nghĩa trang nhân dân, trạm y tế, trường học... Tập trung giải quyết tốt các vấn đề về an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng sản xuất các ngành nghề, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho lao động địa phương góp phần tăng thu nhập trên địa bàn.
Cảnh quan môi trường sáng - xanh- sạch - đẹp, bộ mặt nông thôn khang trang, đời sống người dân được nâng cao tạo diện mạo mới của xã Giao Thịnh ngày nay. Các tuyến đường cây xanh tươi tốt, lề đường trên tuyến đường được trồng hoa và có hệ thống điện chiếu sáng về đêm. Hệ thống giao thông thông thương với các xã, hệ thống thủy lợi và đường nội đồng thuận tiện cho người dân đi lại. Nhân dân thấy được sự lan tỏa và hài lòng với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh Lê Ngọc Đóa cho hay, thực hiện xây dựng nâng cao và duy trì, phát triển các tiêu chí nông thôn mới để đáp ứng với sự phát triển của xã hội, của đất nước là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm.
Các cấp uỷ, chính quyền từ xã đến xóm phải tiếp tục tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, bắt tay vào thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu ngay sau khi xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao với phương châm không thỏa mãn với những gì đã đạt được, nhân tố con người đóng vai trò quyết định.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương, chúng tôi chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm được hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế xã hội. Song song đó, chúng tôi tập trung nâng cao công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2022, xã Giao Thịnh đạt thu nhập bình quân 75,22 triệu/người/năm; năm 2023 phấn đấu đạt trên 85 triêu/người/năm và thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã đến 2025 phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu/người/năm.
Để đạt được điều đó, xã sẽ tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp về địa phương đầu tư, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân. Bên cạnh đó, tập trung tái cơ câu nông nghiệp bằng các giống lúa, cây con có giá trị kinh tế cao. Đồng thời tiếp tục giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5%; 100% các hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các chế độ chính sách cho người có công, người nghèo được đảm bảo.