- Giải quyết “thảm họa giao thông” nói riêng và sự phát triển toàn diện của Hà Nội nói chung, cái chính không phải là tiền.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải xin cơ chế riêng để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Theo ông,“nếu QH không duyệt những dự án giao thông lớn thì Hà Nội không cách gì thoát khỏi “thảm họa”.
Ai cũng hiểu, mấu chốt ở những kiến nghị này là nguồn tiền khổng lồ để thực hiện các dự án. Nó được lấy từ đâu?
Tắc đường, tắc cả vỉa hè ở khu Linh Đàm. Ảnh: Trần Thường |
Khi bàn về “cơ chế đặc biệt” cho Hà Nội, nhiều vị ĐBQH lại cho rằng: Cái cần là cơ chế để nếu thiếu tiền đầu tư, Hà Nội có thể huy động vốn, chứ không phải cứ trông chờ vào sự ưu ái của ngân sách TƯ.
Ý kiến này không phải là không có cơ sở. Bởi khi ngân sách nhà nước chỉ ở trong phạm vi 2 triệu tỷ đồng đầu tư cho cả giai đoạn 2016 - 2020, thì chuyện xin thêm tiền để đầu tư là không thể. Một thành viên Ủy ban Tài chính ngân sách của QH đã khẳng định như vậy.
Đầu tư dồn chỗ trũng
Trở lại với “thảm họa giao thông” của Hà Nội, một người dân bình thường, với cách nghĩ ở mức bình thường cũng nhìn thấy nguyên nhân.
Những người hằng ngày vẫn đi lại trên những con đường của Hà Nội, liệu có ai dám trả lời rằng ý thức tham gia giao thông của mình đã đến độ thanh lịch? Liệu có ở đâu mà ô tô lại đi cả 4 - 5 làn đường, đi cả vào phần của xe máy, người đi bộ như Hà Nội?
Có ai trong số những người được quyền phê duyệt, cấp phép, quản lý qui hoạch, xây dựng ở Hà Nội, dám thực lòng trả lời là khi đặt bút ký cấp phép cho xây dựng những công trình chung cư mấy chục tầng giữa nội đô, đã toàn tâm toàn ý nghĩ về lợi ích chung của thành phố, đến áp lực dân cư cho hạ tầng giao thông chưa? Hay là thấy mà vẫn cứ nhắm mắt cho qua.
Vì sao có cảnh dân nông thôn cả làng kéo nhau về Hà Nội bán bánh khúc, bánh đa… cũng nuôi được con cái học đại học đàng hoàng? Một khi nguồn vốn đầu tư “dồn về chỗ trũng” thì “thảm họa giao thông” của Hà Nội chắc không thể chỉ giải quyết được bằng tiền.
Hà Nội chủ trương giãn dân ra ngoại thành. Nhưng đó mới là di chuyển chỗ ngủ của họ ra ngoài, còn nồi cơm vẫn để lại nội đô. Đó là lý do vì sao các dự án phát triển đô thị xa trung tâm chừng 15km phải ế ẩm, những tuyến đường ra vào thành phố như Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương… vẫn chật chội như nêm cối mỗi ngày.
Đó là chưa kể, cứ một cơ sở sản xuất ở nội đô được giải tỏa thì y như rằng, ngay lập tức đã có mấy tòa nhà cao tầng mọc lên. Không gian công cộng chẳng những không được bổ sung mà còn tiếp tục bị vô hiệu hóa bởi tình trạng tăng dân số cơ học. Chỉ với hơn chục tòa nhà của một đại gia, toàn bộ qui hoạch khu đô thị Linh Đàm - nơi từng được xem là đô thị kiểu mẫu bị phá sản, gây nên cảnh ùn tắc giao thông triền miên ở cửa ngõ phía nam thành phố.
Giải quyết “thảm họa giao thông” nói riêng và sự phát triển toàn diện của Hà Nội nói chung, cái chính không phải là tiền, mà phải bằng sự khai thông ý thức, bằng hạ tầng đồng bộ.
Huệ Anh