Tính đến thời điểm tháng 8/2024, toàn huyện đã có 18/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, 14/20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; 02 thị trấn là Ngô Đồng cũ và thị trấn Quất Lâm đạt chuẩn Đô thị văn minh.

Đặc biệt, xã Giao Phong là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; cũng là 1 trong 9 xã đầu tiên của cả nước được chọn triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh.

Năm 2018, huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn Quốc gia NTM năm 2017, về đích sớm hơn 2 năm so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 25 đề ra. Huyện quyết tâm phấn đấu hoàn thành huyện NTM nâng cao trước năm 2025.

B14_A1.jpg
Chợ Bể (xã Giao Nhân, huyện Giao Thuỷ)

Tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Năm 2021 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa 26 đã ban hành Nghị quyết về xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cơ quan, đơn vị ứng với từng tiêu chí, lĩnh vực, quán triệt, triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; tổ chức đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM từ huyện đến các xã, thị trấn, thôn xóm/tổ dân phố.

Huyện xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, lồng ghép với các chương trình, mục tiêu quốc gia khác, xác định thời gian, lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư xây dựng các công trình, dự án vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, vừa góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tương ứng với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo quan điểm làm đến đâu được đến đó.

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, chú trọng, chất lượng các tổ chức, cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh được nâng cao, bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng được nâng lên.

Vai trò của nền hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp được đề cao. Đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý điều hành, phát triển kinh tế xã hội được triển khai quyết liệt; dịch vụ công trực tuyến được tăng cường;

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 1 cửa của huyện và các xã, thị trấn được đầu tư, xây dựng theo hướng hiện đại, hoạt động nền nếp, hiệu quả, mang lại sự thuận tiện trong giao dịch cho người dân và doanh nghiệp. Trong 3 năm trở lại đây, huyện Giao Thủy luôn trong tốp 3 của tỉnh về xếp loại cải cách hành chính…

Tính từ năm 2010 đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM toàn huyện là trên 6.138 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương, của tỉnh và huyện trên 404 tỷ đồng; vốn địa phương trên 1.015 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp trên 1.003 tỷ đồng. Còn lại là nguồn ủng hộ từ các doanh nghiệp; các nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nhân dân trong huyện và những người con xa quê đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động, hiến nhượng hàng trăm nghìn m2 đất để làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi địa phương.

Để nông thôn mới Giao Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh, thực sự là miền quê đáng sống, tới đây, huyện tiếp tục giữ vững chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, đồng thời không ngừng nâng cao toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. 

Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp với phát triển dịch vụ, du lịch theo quy hoạch; chú trọng phát triển công nghiệp - dịch vụ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại; tập trung chuyển đổi số, xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể;

Xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa truyền thống nhưng hiện đại, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái trong lành; hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.