- Đó là chia sẻ của các giáo viên trước bức ảnh các thầy cô giáo vây kín học sinh trong một tiết dự giờ được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội mấy ngày gần đây.
Bối cảnh của bức ảnh là cảnh trong một lớp học có rất nhiều giáo viên dự giờ. Các thầy cô phải đứng kín quanh phòng học để theo dõi quá trình dạy và học.
Bức ảnh giáo viên dự giờ vây kín học sinh nhận được nhiều lượt "like" và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. |
Nhiều người cho rằng việc dự giờ như thế này sẽ tạo áp lực lớn lên các em học sinh và khiến giờ học mất tự nhiên. Ngoài ra, không chỉ học sinh mà giáo viên đứng lớp cũng phải chịu áp lực không kém khi có những người “theo dõi”.
Chị Nguyễn Thị Thơ (Thái Bình) chia sẻ: “Dự giờ kiểu này sẽ làm cho giáo viên đứng lớp và đặc biệt các cháu học sinh chịu nhiều áp lực và giờ học sẽ mất tự nhiên. Chưa kể, dự giờ thường chuẩn bị và trước sẽ khiến học sinh học ngay sự giả tạo từ bé với những bài học đã được tập duyệt.
Bạn Lê Thị Thanh (sinh viên ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Chắc các em cũng áp lực giống hệt mình những tiết dự giờ ngày xưa. Phải khi nào chắc chắn lắm mới dám giơ tay phát biểu, không khí lớp học thì căng thẳng vô cùng. Các cô đứng nhìn như thế thử hỏi làm sao mà các em dám tranh luận hay hỏi cô giáo đứng lớp”.
Một thành viên mạng xã hội chia sẻ bức ảnh: “Phải chuẩn bị vất vả mới được một tiết dạy như vậy để thấy nghề giáo cũng không nhàn hạ. Tiết học sẽ không giả tạo nếu mỗi giáo viên hàng ngày đều vận dụng được ít nhất một số phương pháp, kĩ thuật dạy học này vào giờ học của mình và làm được một phần như vậy”.
Chị Vũ Thị Tuyết (một giáo viên tiểu học ở tỉnh Nam Định) nói: “Chuyện ngày thường ở huyện mà! Các cháu học sinh chắc cũng không sợ đâu bởi chắc đã được tâp duyệt từ trước cả tháng”.
Là giáo viên dạy giỏi các cấp nhiều năm liền, bản thân chị không bất ngờ khi nhìn thấy cảnh tượng này. Bởi chị cũng từng là giáo viên trực tiếp giảng và hiểu rất rõ những giờ học như thế này.
“Trước hết nhà trường hay phòng giáo dục phải chọn những cô có bản lĩnh giảng trước đám đông để có thể thực hiên một giờ dạy công phu thế này. Giáo viên đứng lớp cũng chịu rất nhiều áp lực như sợ mình diễn không đạt khâu nào đấy như trong “kịch bản”, rồi phải chuẩn chỉ từng câu, từng lời,... Không chỉ học sinh mất tự nhiên mà các cô giáo dạy giờ đó cũng rất mệt”.
Tuy nhiên, chị Tuyết cho rằng việc này cũng có những lợi ích nhất định chứ không chỉ tiêu cực hoàn toàn như một số ý kiến trên mạng.
Bởi trước những buổi dạy như thế buộc người dạy phải tìm tòi, nghiên cứu thât kỹ chuyên môn để có thể thể hiện một cách tốt nhất các phương pháp, các ưu điểm của phương pháp dạy. Từ đó cũng rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Cùng đó, những giáo viên dự giờ cũng học hỏi kinh nghiệm, cách truyền thụ bài giảng lẫn nhau.
“Tất nhiên, thực tế những giờ này còn mang nặng tính hình thức quá thành ra gây nhiều phiền toái và làm khổ giáo viên và học sinh rất nhiều. Tôi nghĩ với những giờ dạy minh họa không nên quá cầu kỳ vào việc tập luyện mà cứ để giờ học diễn ra bình thường, tự nhiên thì hơn. Nếu giáo viên linh hoạt, thì đến đâu xử lý đến đó”, chị Tuyết đánh giá.
Một giáo viên ở Nghệ An chia sẻ: “Mỗi tiết thao giảng dù chuẩn bị ít hay nhiều cũng đều giúp giáo viên và tổ chuyên môn đào sâu nghiên cứu phương pháp, củng cố tác phong, chuẩn mực của giáo viên trực tiếp giảng dạy và nâng cao chuyên môn qua từng ngày".
Bàn về bức ảnh “gây bão” mạng, ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Nghệ An) cho rằng nhiều khả năng đó là một buổi sinh hoạt chuyên môn trên cơ sở dự giờ tiết dạy các giáo viên trong trường. Qua đó các giáo viên có thể đánh giá người dạy vừa tự rút kinh nghiệm cho bản thân.
“Theo hình thức mới được Bộ GD-ĐT đưa ra, các giáo viên dự giờ sẽ không ngồi ở cuối lớp để nghe và phân tích giáo viên đứng lớp giảng có đúng, sâu không như trước kia. Mà theo phương pháp đổi mới dạy học, người dự giờ cũng phải quan sát học sinh học, có tiếp thu được bài học không và xem cách tổ chức lớp học, bài học của giáo viên đứng lớp để rút kinh nghiệm, học hỏi,… Do đó, mới có hình ảnh các giáo viên đứng xung quanh lớp học như thế”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, hình thức này thực tế đã được triển khai từ năm 2013 đến nay và cái được là các giáo viên đầu tư, chuẩn bị tốt hơn cho giờ học, các giáo viên khác học hỏi rút được kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên ông Sơn, nếu là buổi dự giờ của các giáo viên trong trường thì có thể chấp nhận được do áp lực đối với học sinh và giáo viên đứng lớp sẽ không quá lớn do cảm giác thân quen. Tuy nhiên, nếu là giáo viên các trường khác thì ít nhiều sẽ gây áp lực cho học sinh.
“Nếu người dự giờ là các giáo viên lạ và với cấp tiểu học thì điều đó là không nên. Giáo viên đứng như thế sẽ khiến học sinh khó tập trung được vào bài học”, ông Sơn nói.
Thanh Hùng