- Ly A Tỉnh là học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm He (Mường Chà, Điện Biên). Nhà của Tỉnh ở tận bản Púng Trạng, cách trường tới hơn 20 cây số.

Ở Púng Trạng, Trường Nậm He cũng một lớp học nhưng chỉ dành cho học sinh lớp 1 và lớp 2. Em của Ly A Tỉnh vẫn được học lớp ở bản còn lên lớp 3 như Tỉnh là phải xuống điểm trường trung tâm học bán trú.

Nhà ở xa nên thường phải 2 tuần, bố mẹ mới xuống đón Tỉnh về nhà một lần chơi với em. Nếu vào mùa mưa, đường lên bản không thể đi bằng xe máy, có khi Tỉnh phải ở lại trường lâu hơn.

Cậu bé người Mông khá nhút nhát khi nói chuyện với người lạ. Nhưng nó trả lời các câu hỏi rất gọn ghẽ và dứt khoát. Nó nói, xuống trường học với các bạn, các thầy cô cũng vui nhưng cuối tuần, các bạn nhà gần về nhà hết, nó cũng buồn.

Ly A Tỉnh không phải là học sinh bán trú duy nhất của trường. Năm nay, Trường Nậm He có 468 học sinh thì có tới 243 em là học sinh bán trú. Nhà em gần nhất cũng cách trường 5 cây số.

{keywords}
Ly A Tỉnh, học sinh lớp 3 của Trường TH Nậm He đang cặm cụi viết tên mình và tên bố mẹ vào cuốn sổ của phóng viên. Ảnh: Lê Văn.

Khu bán trú của học sinh trường Nậm He được dựng bằng vách gỗ phủ bạt dứa, mái lớp fibro-ximăng hoặc tôn nền nhà vẫn bằng đất. Bên trong, những chiếc giường tầng bằng sắt sếp san sát nhau. Những chiếc dép tổ ong, chiếc đứt mũi, chiếc rách quai, được giắt gọn gàng ở bậc gỗ cạnh cửa.

Hôm tôi tới trường Nậm He hôm ấy là ngày thứ 7. Không khó để nhận ra các thầy cô giáo và học sinh ở trường đã cố gắng như thế nào để những phòng học, nhà ăn, khu bán trú của học sinh cho tới sân trường tươm tất nhất có thể để đón đoàn từ thiện từ dưới xuôi lên.

Cô Nguyễn Thị Đức, Hiệu trưởng Trường TH Nậm He cho biết, gần 100% học sinh của trường là các em dân tộc Thái và Mông. Các em hầu hết đều là con hộ nghèo nên điều kiện đến trường cực kỳ khó khăn.

"Gia đình khó khăn nên bố mẹ gần như không quan tâm, cuộc sống ở trường của các em hầu như là do các thầy cô giáo" - cô Đức chia sẻ.

Ở trường, gọi là bán trú dân nuôi song các em học sinh được nhà nước hỗ trợ toàn bộ, gia đình hoàn toàn không phải đóng góp. Mỗi tháng, các em sẽ được 460.000 đồng kèm 15kg gạo.

Với chừng ấy tiền hỗ trợ, cuộc sống của các em học sinh tại trường vẫn rất thiếu thốn. Khi liên hệ với đoàn tình nguyện, cô Đức chỉ đề xuất đoàn tặng trường dép tổ ong, quần áo và mì tôm để hỗ trợ các em chứ không mong gì hơn.

Nhưng khó khăn nhất không phải là nơi chúng tôi được tiếp đón. 

{keywords}
Những lớp học của Trường TH Nậm He dù dựng bằng vách gỗ, lớp mái tôn nhưng vẫn rất ngăn nắp, gọn gàng. Ảnh: Lê Văn.

Ngoài điểm trường trung tâm, Trường TH Nậm He còn có 13 lớp học ở 11 điểm bản khác nhau. Điểm gần nhất, cách điểm trường trung tâm chừng 5-6 cây số, điểm xa nhất như Púng Trạng hay Vạng Gió thì cách tới 25 cây số.

Thầy cô ở các điểm bản thường phải dạy cả lớp 1 và lớp 2 cùng lúc. Thứ 6 thì về nhà rồi đến chiều Chủ Nhật thì lại lên bản rồi ở đấy với các em. Đứng lớp ở những bản xa chủ yếu là các thầy giáo trẻ vì đường lên bản chủ yếu là đường dân sinh, khó đi, các cô giáo đi sẽ rất nguy hiểm.

"Đường vào bản phải nói là rất gian truân, chỉ có đường đất thôi. Mùa khô còn đi được chứ mùa mưa không đi xe máy được, các thầy phải vác ba lô lên bản là chuyện bình thường" - cô Đức chia sẻ.

Mặc dù trường nằm ở bản vùng cao nhưng có tới một phần 3 số giáo viên của trường là từ các tỉnh miền xuôi. Có giáo viên ở tận Nam Định, Thái Bình. Bản thân cô hiệu trưởng cũng là người ở dưới xuôi.

Cô Đức cho biết, các giáo viên nhà ở xa được trường bố trí cho ở trong các phòng cạnh khu bán trú của học sinh. Nhà cũng làm bằng vách gỗ phủ bạt dứa, mái lợp tấm fibro-ximăng giống phòng của học sinh. Cứ năm cô thì chung một phòng.

Ông Trang A Lử, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà thì cho biết, khó khăn lớn nhất đối với giáo dục của huyện là cơ sở vật chất. "Hiện nay, chỉ mới hơn một nửa số trường được kiên cố hóa, nửa còn lại, đặc biệt là hệ thống trường mầm non, tiểu học có các điểm trường trên các bản còn rất nhiều khó khăn".

"Đến nhiều trường như ở đây chúng tôi thấy rất thương các thầy cô. Họ chỉ ở nhà bằng gỗ, vách nứa. Mặc dù địa phương đã huy động xã hội hóa nhưng một số vùng đồng bào quá khó khăn. Có những nơi thậm chí không thể vận chuyển vật liệu vào được".

Ông Trang A Lử cho biết, những xã xa nhất của huyện như Huổi Mí nằm cách trung tâm huyện tới 130 cây số, đường sá chỉ đi lại được một mùa khô, còn mưa thì không đi được. Những xã như vậy đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất.

Những năm gần đây có ngân sách hỗ trợ, các em học sinh được tới trường học bán trú nên tỉ lệ học sinh bỏ học của huyện mấy năm nay đã giảm. Tỉ lệ học sinh tiểu học ra lớp đạt tới 97-98%.

{keywords}
Học sinh ở Mường Chà chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Lê Văn.

"Hàng năm cũng có một số trường hợp các em ở vùng sâu vùng xa, do hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ nghiện ma túy, không ai trông nom hoặc một số em học THCS đến tuổi, bố mẹ bắt về nhà lấy chồng… thì các em không đi học hoặc bỏ học. Các thầy cô giáo và chính quyền địa phương lại phải vào tận bản vận động để các cháu đi học".

Khó khăn là vậy nhưng các giáo viên nơi đây dù miền xuôi hay miền ngược đều rất tâm huyết và gắn bó với trường với lớp.

Cô Can Thị Lộ, chủ nhiệm lớp 3B của Ly A Tỉnh đã gắn bó với Trường TH Nậm He được 27 năm. Cô Lộ cho biết, cô quê ở thị xã Mường Lay, cách trường gần 30 cây số. Sau khi tốt nghiệp ra trường, cô xin về trường dạy học rồi lấy chồng, sinh con luôn ở đây. Chồng của cô Lộ cũng là bảo vệ của trường Nậm He.

Còn cô Ngô Thị Hồng Tuyên, là người ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vừa mới lên nhận công tác ở trường từ 1/2, là một trong 3 cô giáo mới của trường. Cô Tuyên là giáo viên dạy âm nhạc của trường, tốt nghiệp Khoa sư phạm Âm nhạc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Trước đây, cô Tuyên dạy ở Trường Trung cấp Bách khoa ở Việt Trì, chồng của cô cũng đang là giáo viên tiểu học ở Phú Thọ. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, cô Tuyên vẫn quyết định thi tuyển lên Mường Chà để dạy học rồi về Trường TH Nậm He.

{keywords}
Những học sinh đáng yêu ở bản vùng cao Mường Chà trở thành động lực cho các giáo viên chấp nhận khó khăn, gắn bó với giáo dục vùng cao. Ảnh: Lê Văn.

Tôi đã hỏi điều gì khiến cô Tuyên yêu Tây Bắc đến mức bỏ cả chồng con ở dưới xuôi để lên xã vùng cao khó khăn này? Cô Tuyên chỉ trả lời ngắn gọn: "Em thích lên Tây Bắc vì yêu học sinh ở trên này. Các em trên này rất đáng yêu, rất ngộ nghĩnh. Khi mình dạy các em ca hát thì các em rất thích".

Cô Tuyên nói một cách chắc chắn rằng, cô sẽ gắn bó lâu dài với huyện vùng cao Mường Chà. Kế hoạch của cô là sẽ đưa chồng và con lên Mường Chà để định cư.

Đó hẳn là một kế hoạch không dễ dàng có thể thực hiện với một phụ nữ đã ở tuổi 35 như cô. Tuy nhiên, có lẽ tình yêu của cô Tuyên đối với những học sinh ở vùng cao Tây Bắc là có thật.

Bởi không có tình yêu ấy, hẳn người ta sẽ không thể hòa vào niềm vui của những đứa trẻ nơi đây, dù theo những cách hình thức nhất.

Lê Văn