Ba Lan là một quốc gia nằm ở trung tâm châu Âu, nổi tiếng với cuộc sống bình yên và thịnh vượng. Mỗi năm, đất nước này thu hút không chỉ lượng lớn khách du lịch mà còn có nhiều người đến đây để học tập và làm việc. Trong đó, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan khá đông, ngày càng phát triển và hòa nhập với cuộc sống của người dân bản địa.

Lịch sử hình thành cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan khởi nguồn khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, lao động giữa hai nước. Một lượng lớn sinh viên Việt Nam đã ở lại và xây dựng cuộc sống ổn định. Theo ước tính, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện khoảng 50.000 – 60.000 người. 

Nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống tại Ba Lan nhưng cộng đồng người Việt vẫn duy trì văn hóa, truyền thống của dân tộc. Việc thành lập các ngôi chùa, cơ sở thừa tự và truyền bá Phật giáo cùng với việc phổ biến món ăn truyền thống như phở đã góp phần làm đa dạng văn hóa của Việt Nam tại đất nước này.

Ngày nay, bên cạnh du học sinh, người lao động và thế hệ sang đây lập nghiệp từ những giai đoạn trước, ở Ba Lan đã có những thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba, thứ tư. 

Các em nhỏ trong một lớp học tiếng Việt ở Trường tiếng Việt Lạc Long Quân.

Xuất phát từ mong muốn con em hiểu được tiếng mẹ đẻ, gìn giữ văn hóa, bản sắc Việt của một số phụ huynh và giáo viên, năm 1999, Trường tiếng Việt Hùng Vương được thành lập.

Đầu năm 2007, Trung tâm Văn hóa Văn Lang tại Ba Lan được thành lập với mục đích nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng người Việt. Do cộng đồng người Việt tại Ba Lan ngày càng phát triển, nhu cầu học tiếng Việt của con em tăng lên, tháng 9/2007 Trường tiếng Việt thứ hai mang tên Văn Lang trực thuộc Trung tâm Văn hóa Văn Lang được ra đời.

Ngày 15/11/2009, hai trường sáp nhập thành trường mới có tên Trường tiếng Việt Lạc Long Quân trực thuộc Trung tâm Văn hóa Văn Lang nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tổ chức, quản lý và xây dựng một đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Việt cho con em trong cộng đồng.

Qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, tổng số học sinh ở các khối lớp của nhà trường đạt gần 200 học sinh mỗi năm với các lứa tuổi từ 5 - 14 tuổi. Việc học tập và giảng dạy được duy trì ở cả hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến. 

Đối với hình thức trực tiếp, địa chỉ cơ sở chính của Trường là thuê phòng học của Trường Phổ thông cơ sở số 264 mang tên Gabrieli Mistra và cơ sở 2 tại Trung tâm chợ Wolka - khu chợ có đông bà con Việt đang làm ăn, sinh sống tại Ba Lan. 

Ngoài việc giảng dạy và học tập tiếng Việt, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác (Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6…) nhằm giúp con em hiểu biết thêm về thuần phong mỹ tục của dân tộc, hướng tâm tư tình cảm của con em về với quê hương đất nước, tạo cơ hội cho con em người Việt có dịp để gần gũi, gắn bó với nhau và với cộng đồng.

Qua đó, khơi gợi sự hứng thú, tò mò và nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Việt của các em thông qua các hoạt động tương tác như trò chơi, lễ hội… Từ đó, các em tự muốn tìm hiểu, học và sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp.

Do các em nhỏ còn theo học tại trường của Ba Lan nên lớp học chỉ mở vào cuối tuần, từ 16 giờ - 19 giờ. Trước đây, giáo trình dạy học của trường chủ yếu do thầy cô giáo tự nghiên cứu, biên soạn, chủ yếu thiên về giao tiếp và nội dung đơn giản dễ hiểu. Từ năm 2023, sau khi bộ sách Chào Tiếng Việt (tác giả Nguyễn Thụy Anh) do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, Trường Lạc Long Quân đã đưa bộ sách này vào giảng dạy. 

Mới đây, ông Nguyễn Đức Quang, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã đến thăm và chúc mừng các thầy cô giáo đang công tác giảng dạy tại Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tham quan nhà trường và trực tiếp trải nghiệm một số giờ học tại các lớp học dành cho con em kiều bào ở các trình độ khác nhau. Đồng thời, cũng thông tin đến trường một số chủ trương, chính sách trong nước về việc đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022. 

Ông Nguyễn Đức Quang tin tưởng rằng, Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ trở thành dấu mốc quan trọng hằng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới, trong đó có cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.

Ngọc Cương và nhóm PV, BTV