Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) vừa công bố Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (GII) 2022. Theo GII 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, giảm 4 bậc so với năm 2021, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.

Được thiết lập vào năm 2007 và công bố hàng năm, cốt lõi của GII là cung cấp các thước đo hiệu suất và xếp hạng 132 nền kinh tế trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của họ. GII 2022 được đánh giá từ tập hợp 7 trụ cột (81 tiêu chí), được tính bằng giá trị trung bình của hai chỉ số phụ.

Chỉ số phụ đầu vào đổi mới sáng tạo đánh giá các yếu tố của nền kinh tế cho phép và tạo điều kiện cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và được nhóm thành 5 trụ cột: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và nghiên cứu, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường, và (5) Trình độ phát triển của kinh doanh.

Chỉ số phụ Đầu ra đổi mới sáng tạo ghi nhận kết quả thực tế của các hoạt động đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế và được chia thành hai trụ cột: (6) Sản phẩm tri thức và công nghệ và (7) Sản phẩm sáng tạo.

Báo cáo cho thấy nghiên cứu và phát triển (R&D) và các khoản đầu tư khác thúc đẩy hoạt động đổi mới trên toàn thế giới tiếp tục bùng nổ năm 2021 bất chấp đại dịch COVID-19, nhưng cũng có những thách thức nổi lên trong việc biến các khoản đầu tư đổi mới thành tác động.

GII cho thấy rằng tăng trưởng năng suất - thường được thúc đẩy bởi sự gia tăng đổi mới - trên thực tế đã bị đình trệ. Nó cũng cho thấy rằng tiến bộ công nghệ hiện tại và việc áp dụng công nghệ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ của chi tiêu cho R&D và đầu tư mạo hiểm gần đây.

Tuy nhiên, với việc nuôi dưỡng tốt hơn các hệ sinh thái đổi mới, một kỷ nguyên mới của tăng trưởng theo định hướng đổi mới có thể cất cánh do các làn sóng đổi mới của Thời đại kỹ thuật số và Khoa học sâu (Deep Science) dẫn đầu.

Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2022 - GII 2022

Việt Nam đạt kết quả tốt nhất về trụ cột Sản phẩm sáng tạo 

Theo GII 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, giảm 4 bậc so với năm 2021. Mặc dù Việt Nam tăng 1 bậc vị trí xếp hạng về đầu vào ĐMST (từ 60/132 lên 59/132), nhưng lại giảm 3 bậc thứ hạng đầu ra ĐMST (từ 38/132 xuống 41/132) so với năm 2021

Năm nay, Việt Nam đứng thứ 59 về đầu vào ĐMST, cao hơn cả năm 2021 và 2020. Về đầu ra kết quả ĐMST, Việt Nam đứng thứ 41, vị trí này thấp hơn cả năm 2021 và 2020.

Dù vậy, Việt Nam vẫn đứng thứ 2 trong số 36 nền kinh tế thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, sau Ấn Độ; và đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương.

Về hiệu quả ĐMST, theo GII 2022, mối quan hệ giữa mức thu nhập (GDP bình quân đầu người) và hiệu suất ĐMST (điểm GII) cho thấy: So với GDP, hiệu quả hoạt động ĐMST của Việt Nam trên cả mong đợi về mức độ phát triển của Việt Nam. Về hiệu suất đổi mới dự kiến theo mức thu nhập của Việt Nam cũng đang ở trên mức kỳ vọng.

Về quan hệ giữa đầu vào ĐMST và đầu ra/kết quả ĐMST cho thấy, các nền kinh tế vượt trội đang phát huy hiệu quả các khoản đầu tư đổi mới tốn kém thành các kết quả ngày càng chất lượng cao hơn. Việt Nam tạo ra nhiều kết quả ĐMST hơn so với mức đầu tư vào ĐMST.

Việt Nam đạt trên mức trung bình của nhóm thu nhập trung bình thấp trong tất cả các trụ cột GII. Việt Nam cũng đạt trên mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương về sản phẩm sáng tạo.

Theo WIPO, Việt Nam đạt kết quả tốt nhất về trụ cột Sản phẩm sáng tạo (vị trí thứ 35/132) và yếu kém nhất là về trụ cột Nguồn nhân lực và nghiên cứu (vị trí 80/132).

Về các điểm mạnh và điểm yếu của các chỉ số của Việt Nam trong GII 2022:

Nhiều chỉ số yếu kém ít được cải thiện trong nhiều năm qua như: Môi trường pháp lý, Chi phí sa thải nhân công, Tỷ lệ sinh viên nước ngoài học tập trong nước, Kết quả về môi trường, Việc làm trong các ngành dịch vụ thâm dụng tri thức (% tổng việc làm), Lao động nữ có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao (% tổng lao động), Nhập khẩu dịch vụ ICT (% tổng mậu dịch), Xuất khẩu dịch vụ ICT (% tổng mậu dịch), Xuất khẩu dịch vụ văn hóa và sáng tạo (% tổng giao dịch thương mại)…

Một số chỉ số giảm bậc mạnh so với GII 2021: Tín dụng (từ 9 xuống 47),  Trình độ phát triển của thị trường (22 xuống 43), Vay tài chính vi mô (từ 11 xuống 52), Lan tỏa tri thức (từ 21 xuống 44), Sản phẩm và dịch vụ sáng tạo (từ 35 xuống 50).

Một số chỉ số tăng bậc đáng chú ý như: Môi trường kinh doanh (từ vị trí 100 lên 30), Đầu tư (từ 111 lên 52), Số sáng chế nộp đơn tại 2 văn phòng (từ 92 lên 73), Sản phẩm sáng tạo (từ 42 lên 35)...

Nhiều chỉ số vẫn là điểm mạnh của Việt Nam như: Nhập khẩu công nghệ cao (% tổng thương mại) (thứ 1/132), Đa dạng hóa của ngành công nghiệp nội địa (thứ 9), Tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân (thứ 11), Phần chi R&D do doanh nghiệp trang trải (% tổng chi cho R&D) (thứ 10), Tốc độ tăng năng suất lao động (GDP/người lao động) (thứ 3), Xuất khẩu công nghệ cao (% tổng giao dịch thương mại) (thứ 3), Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (% tổng giao dịch thương mại) (thứ 8), Sáng tạo ứng dụng di động (thứ 8)…

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn đứng vị trí thứ 4, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong số các nước ASEAN được xếp hạng, có 3 nước tăng bậc là Singapore, Indonesia và Campuchia. Thái lan và Malaysia vẫn giữ nguyên thứ hạng.

Ngay từ năm đầu xây dựng GII, Việt Nam đã được WIPO đưa vào đánh giá cùng với 106 nền kinh tế khác trên thế giới. Xuất phát điểm của Việt Nam trong bảng xếp hạng lần đầu (2007) khá thấp, dưới mức trung bình chung của 107 nền kinh tế được WIPO xếp hạng năm này (65/107).

Minh Vy