Trước khi buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa diễn ra, hình ảnh chụp chiếu, xét nghiệm, tình trạng hiện tại của 6 ca bệnh cần xin ý kiến đã được gửi qua thiết bị cá nhân của PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh.
Lời tòa soạn
Mới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện công lập triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth) trong năm 2023, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng và giảm tải cho y tế tuyến trên.
Thực hiện VTelehealth được xem là cấu phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số hoạt động khám, chữa bệnh và quản lý toàn diện sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng.
Đến nay, thuật ngữ “khám chữa bệnh từ xa”, “chuyển đổi số” không còn xa lạ với các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn để mang lại giá trị cho thầy thuốc và bệnh nhân, đặc biệt là tuyến huyện, xã. VietNamNet đăng tải loạt bài “Khám chữa bệnh từ xa không còn xa khi chuyển đổi số”, phản ánh những hiệu quả, thách thức của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Chiều thứ 3, phòng họp Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), rộn ràng hơn bình thường khi nhiều bác sĩ ngành Chấn thương chỉnh hình cùng về theo dõi buổi tư vấn, hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, kết nối 25 điểm cầu bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.
Từ trước khi buổi hội chẩn diễn ra, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, phó giám đốc bệnh viện, thông qua thiết bị cá nhân đã nhận thông tin hình ảnh chụp phim trích từ hệ thống quản lý và lưu trữ hình ảnh (PACS), kết quả xét nghiệm, tình trạng hiện tại của 6 ca bệnh cần được hội chẩn.
Không phải "1 kèm 1" mà là "1 kèm N"
Thay vì nghiên cứu từ đầu từng tập hồ sơ bệnh án giấy, qua thiết bị thông minh, ông tranh thủ trao đổi với thạc sĩ Lê Văn Nam, Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của bệnh viện, về ca bệnh gãy nửa người sau tai nạn giao thông ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Ba tháng trước, bệnh nhân này đã phẫu thuật nhưng gần đây có 2 lỗ viêm rò ở vết mổ cẳng chân phải, đã được tháo dụng cụ, kết hợp xương cẳng chày, nạo viêm và nẹp cố định.
“Hướng xử trí của chúng em đã ổn chưa thưa các thầy? Nếu bó bột thì phải trong bao lâu? Chúng em nên làm gì với tình trạng hạn chế duỗi cổ chân?”, đại diện từ Thanh Hóa nói qua hệ thống Telehealth.
“Hình ảnh phim chụp X-Quang, CT, MRI từ PACS 3 vị trí gãy xương rất 'đẹp', cho thấy kết quả phẫu thuật ổn”, PGS Khánh đánh giá.
Từ 3 năm trước, Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào sử dụng hệ thống PACS, bảo đảm việc lưu trữ hình ảnh không in phim, giúp thầy thuốc nhiều nơi có thể theo dõi, tra cứu hình ảnh chuẩn xác, thay vì chỉ quan sát được một vài hình ảnh chụp lại phim nhựa. Đây cũng là một trong số ít cơ sở trên cả nước công bố triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
Các thông tin của những bệnh nhân cần hội chẩn trực tuyến đã được gửi trước cho các bác sĩ. Ảnh: Tuấn Anh
Không chỉ giải đáp những câu hỏi các bệnh viện địa phương gửi đến, những buổi hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa cũng là “giờ lên lớp” đặc biệt để các chuyên gia từ Bệnh viện Việt Đức nhận xét cách xử trí tình huống thực tế, chia sẻ các kiến thức mới cho các bác sĩ tuyến cơ sở, những người PGS Khánh gọi là "đồng nghiệp".
“Tình huống thực tế xảy ra tại một cơ sở nhưng có thể là bài học cần thiết cho nhiều đồng nghiệp nơi khác, cần phân tích, thảo luận để vỡ ra các khả năng khi gặp các bệnh nhân tương tự và phương án xử trí tối ưu”, PGS Khánh chia sẻ.
Chẳng hạn, tình huống gãy cẳng chân, nhiễm trùng do viêm rò như ca bệnh trên đây là tình huống các bác sĩ thường xuyên gặp phải trong thực tế điều trị.
25 điểm cầu cùng tham gia buổi hội chẩn trực tuyến chiều 14/3, không còn là "1 chia sẻ cho 1" mà mở rộng "1 cho N". Ảnh: Tuấn Anh
Không chỉ hội chẩn các ca “tĩnh” theo định kỳ, các bác sĩ Bệnh viện Viện Đức còn tiếp nhận nhiều ca bệnh khó, phức tạp được tuyến dưới đề nghị kết nối tư vấn trực tuyến đột xuất từ tận phòng mổ, tận dụng được “giờ vàng” cứu sống bệnh nhân ở cách Hà Nội hàng trăm cây số. Đặc biệt là các lĩnh vực phẫu thuật tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình, tim mạch lồng ngực, thần kinh…
Đáng nhớ nhất là trường hợp bệnh nhân nữ, 58 tuổi, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, chẩn đoán vỡ tim do tai nạn giao thông. Đây là một trường hợp ít gặp, chỉ có các bệnh viện tuyến trung ương mới có thể xử lý được. Nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao, nếu chuyển lên Hà Nội có thể mất ngay trên đường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh liên hệ với Bệnh viện Việt Đức tổ chức buổi hội chẩn cấp cứu từ xa.
Với sự hỗ trợ bởi các thầy từ Hà Nội, bác sĩ ở Quảng Ninh nhanh chóng đẩy thẳng bệnh nhân vào phòng mổ khi tính mạng đã "báo động đỏ". Các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Việt Đức đã chỉ đạo kíp mổ phẫu thuật tim hở cấp cứu để cầm máu các túi vỡ, khâu đường vỡ, lấy máu cục dẫn lưu màng phổi trái… Nữ bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục.
Hay trường hợp bệnh nhân T.N.C (32 tuổi) bị đau tức ngực, khó thở do tràn khí màng phổi phải, đã được phẫu thuật cấp cứu, tuy nhiên tái phát bệnh với diễn biến phức tạp, rất khó điều trị triệt để. Kíp phẫu thuật ở Quảng Ninh tiếp tục hội chẩn trực tuyến ngay trong phòng mổ với các chuyên gia ngoại khoa từ Bệnh viện Việt Đức. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi sau 1 giờ. Sau mổ, bệnh nhân được rút ống tự thở ngay, không còn đau ngực, hai phổi nở tốt.
Bệnh viện Việt Đức là một trong những cơ sở y tế đầu tiên đề xuất ý tưởng khám chữa bệnh từ xa từ 18 năm trước. PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết trong 2 năm 2021-2022, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện gần 190 buổi hội chẩn trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa không chỉ cho bác sĩ mà cả điều dưỡng viên.
Khám chữa bệnh từ xa rất cần với ngành ‘học nữa, học mãi’
Theo kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Y tế, khám chữa bệnh từ xa là một trong các nền tảng số y tế thuộc chương trình phát triển nền tảng số quốc gia. Đây là cấu phần quan trọng của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Từ 24 bệnh viện tuyến trên được chỉ định tham gia mạng lưới đề án Khám chữa bệnh từ xa từ tháng 6/2020, đến nay, con số này đã tăng lên hơn 100 bệnh viện hạt nhân. Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho biết tháng 9/2020, Bộ Y tế khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa, đến nay, gần 2.000 điểm cầu Telehealth được kết nối. Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi buổi hội chẩn từ xa có từ 25-28 điểm cầu bệnh viện tham gia thường quy.
Kết thúc buổi hội chẩn, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh chia sẻ mong muốn kết nối được với nhiều bệnh viện hơn, đặc biệt là các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến cơ sở, vùng sâu vùng xa, nhằm kịp thời hỗ trợ những trường hợp người bệnh nặng, cấp cứu, không thể chịu được quãng đường chuyển tuyến dài.
Ông cũng bày tỏ hy vọng có thể kết nối, thống nhất, chia sẻ bảo mật dữ liệu giữa các hệ thống bệnh án điện tử, phòng mổ, hệ thống xét nghiệm, hệ thống lưu trữ chẩn đoán hình ảnh… của các bệnh viện, nhằm phục vụ tốt hơn cho việc khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa, để các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Việt Đức có thể hỗ trợ các tuyến cơ sở nhanh chóng, chính xác nhất.
Điều gì đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế?
Khám chữa bệnh từ xa đã chứng minh hiệu quả cho bệnh nhân và thầy thuốc, đặc biệt với ngành cần đào tạo liên tục như y khoa. Tuy nhiên, với mong muốn nâng tầm, lan tỏa chất lượng chuyên môn từ bác sĩ tuyến trên xuống tuyến dưới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “y tế là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số”, còn rất nhiều khó khăn.
Kỳ 2: Kinh phí và thói quen đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế
Nhờ chuyển đổi số, Bệnh viện đa khoa Đức Giang hiện không còn in phim chụp, máy đọc phim vì thế không cần sáng đèn. Một số loại sổ sách chép tay, thậm chí bút viết cũng dần biến mất.