Thế hệ trẻ bị các thế hệ khác đánh giá là hư hỏng, lười biếng và tự cho mình là trung tâm của vũ trụ. Điều này có đúng hay không?

Bạn thử đoán xem tôi là ai? Tôi 26 tuổi đã tốt nghiệp đại học. Tôi mê xem “The Big Bang Theory” (một chương trình sitcom - hài kịch tình huống của Mỹ) và xem Inception (Kẻ đánh cắp giấc mơ - phim hành động khoa học viễn tưởng Mỹ) trên Netflix (dịch vụ video trên internet cho phép xem trên nhiều thiết bị) cả chục lần. 

Tôi nghe nhạc R&B và hip-hop bằng Spotify (một dịch vụ âm nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới). Tôi làm mọi thứ trên mạng. Tôi đánh máy nhiều hơn nói chuyện. Tôi đăng nhập Youtube và Instagram mỗi ngày, dĩ nhiên là vài lần mỗi ngày. Cứ là đồ của Nike và Apple, tôi sẽ mua.

Câu trả lời đúng là “Thế hệ Thiên niên kỷ” (Millennial) hay thế hệ Y (Gen Y). Sinh trong khoảng những năm 1982-2000, thế hệ thiên nhiên kỷ hiện chiếm hơn 25% dân số (khoảng 83.1 triệu người), là thế hệ đông đảo nhất ở nước Mỹ hiện nay. Đây cũng là thế hệ đa chủng tộc, đa màu sắc nhất.

{keywords}
Nhiều người trẻ đang chạy theo các mục tiêu “ngoài thân” như tiền tài, địa vị, danh vọng.

Thế hệ Tôi

Thế hệ Thiên niên kỷ bị các thế hệ khác đánh giá là “hư hỏng”, “lười biếng”và “tự cho mình là trung tâm của vũ trụ”. Điều này là không công bằng và phiến diện khi khái quát về một thế hệ. Đương nhiên, vẫn có một số điểm đúng trong những nhận định này.

Trong một bài báo của Time với tiêu đề “Thế hệ thiên niên kỷ: Thế hệ Tôi Tôi Tôi”, tác giả Joel Stein đã miêu tả rất chi tiết đặc điểm tính cách, thái độ, hành vi của thế hệ này, bao gồm cả sự gia tăng hội chứng tự mê bản thân ở tuổi trưởng thành. 

Stein phân thích: “Theo Viện Y tế quốc gia, tỷ lệ mắc chứng rối loạn tự mê bản thân ở giới trẻ trong độ tuổi 20 cao bằng thế hệ trước - những người đang độ tuổi 65 hoặc già hơn. Hơn 58% sinh viên đại học mắc chứng tự cao tự đại năm 2009 so với năm 1982.

Nhiều người trẻ sống chạy theo các mục tiêu “ngoài thân” như tiền tài, địa vị và danh vọng. Điển hình như người trẻ đang bị cuốn vào thế giới của người nổi tiếng, nhiều người muốn nổi tiếng và họ tin là họ làm được.

Sự tự tin thái quá này có thể do họ đã xem quá nhiều chương trình truyền hình thực tế hay video chia sẻ trên các website. Họ tưởng rằng mình cũng có thể dễ dàng nổi tiếng như 3 chị em nhà Kardashian hay Jenner, hay những người trẻ nổi tiếng trên Youtube như KSI, PewDiePie hay Zoella.

Giác quan thứ 6 “Kỹ thuật số”

Là người làm chủ công nghệ, thế hệ trẻ lớn lên cùng với sự phát triển của internet. Hầu hết người trẻ đều dành phần lớn thời gian của mình để nhắn tin, sử dụng mạng xã hội nhiều hơn các thế hệ trước.

Về nhắn tin, theo một khảo sát của Pew, trung bình mỗi người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 24 gửi và nhận 109.5 tin nhắn mỗi ngày, hơn 3,200 tin nhắn mỗi tháng.

Facebook, Instagram và Snapchat đã trở thành cơm ăn áo mặc của những người trẻ. Phần lớn người trẻ (71%) sử dụng mạng xã hội ít nhất 1 lần một ngày, so với xem tivi (60%) hay gửi thư điện tử, nhắn tin và trò chuyện (49%).

Có lẽ không có thế hệ nào cuồng chụp ảnh “tự sướng” như thế hệ thiên niên kỷ. Một nghiên cứu công bố trên tờ Teen Vogue ước tính rằng, trung bình mỗi người trẻ dành khoảng 1 giờ một tuần để chụp ảnh tự sướng và họ sẽ chụp khoảng 25,700 tấm ảnh tự sướng trong suốt cuộc đời mình.

{keywords}
Quan điểm về hôn nhân và gia đình của người trẻ đã thay đổi, nhiều người trẻ không còn muốn kết hôn.

Những đứa trẻ "quay trở lại"

Một nghiên cứu của trung tâm Pew chỉ ra rằng, năm 2014, lần đầu tiên trong hơn 130 năm qua, những người trẻ trong độ tuổi từ 18-24 vẫn sống với bố mẹ nhiều hơn tỷ lệ người trẻ sống với người yêu hay bạn đời trong ngôi nhà riêng của họ.

Xu hướng này được lý giải là do cuộc Đại suy thoái năm 2007-2009. Suốt khoảng thời gian đó, lượng người vào đại học tăng nên dẫn đến lượng người trẻ sống cùng bố mẹ cũng gia tăng.

Tuy nhiên, cuộc đại suy thoái đã qua đi nhưng những người trẻ vẫn ở chung với gia đình. Thế nên nguyên nhân không chỉ đơn giản nằm ở suy thoái. Rõ ràng quan điểm về hôn nhân của người trẻ đã thay đổi. 

Rất nhiều người trẻ đang trì hoãn việc kết hôn cũng như chưa muốn sở hữu ngôi nhà riêng của mình. Hơn 25% người trẻ cho rằng họ sẽ không bao giờ lập gia đình.

{keywords}
Người trẻ rất lạc quan, thậm chí là lạc quan quá mức về cuộc sống hiện tại và tương lai của bản thân.

Học nhiều nhưng lại thiếu việc làm

Người trẻ đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Thế hệ thiên niên kỷ là thế hệ chiếm ưu thế nhất trong lực lượng lao động của nước Mỹ. Năm 2015, hơn một phần ba người lao động Mỹ nằm trong độ tuổi từ 18 đến 34. 

Và một lượng lớn sinh viên đã tốt nghiệp đại học khiến thế hệ này là thế hệ được đào tạo nhiều nhất. Khoảng một phần ba (34%) người trẻ có ít nhất một bằng đại học.

Mặc dù được đào tạo bài bản nhưng thế hệ trẻ lại đang phải vật lộn tìm kiếm việc làm. Theo báo cáo của MarketWatch, khoảng 40% người trẻ ở các quốc gia đang thất nghiệp.

Lạc quan và thực tế

Dù tốt hay xấu thì người trẻ vẫn rất lạc quan về cuộc sống hiện tại và tương lai của mình. Phần lớn người trẻ (hơn 80%) cho rằng họ hiện đang sống đủ với số tiền kiếm được (32%) hoặc mong rằng sẽ có tiền để làm những điều họ muốn trong tương lai (53%).

Cùng với đó, người trẻ cũng nhìn nhận rất thực tế về những khó khăn tài chính mà họ phải đối mặt. Ví dụ như họ quan tâm đến tình trạng tài chính của chương trình An ninh xã hội. Khoảng 25% người trẻ không mong chờ việc họ sẽ được chu cấp khi về hưu.

Vậy theo bạn điều gì tạo nên thế hệ trẻ - thế hệ thiên niên kỷ? Liệu thế hệ trẻ sẽ là thế hệ tuyệt vời nhất hay thế hệ mất mát nhất?

Kim Minh(Theo Huffingtonpost)