Khoảnh khắc nhìn cậu bé mắc hội chứng tự kỷ rơi nước mắt, lòng anh Giang bỗng trào lên niềm thương cảm...
Mùa hè nắng nóng, mọi người thường tìm đến các hồ bơi để giải nhiệt. Đặc biệt các bậc phụ huynh rất sốt sắng đăng ký lớp học bơi cho con mình.
Anh Trịnh Phương Giang (SN 1983 - Hà Nội), huấn luyện viên dạy bơi ở quận Ba Đình chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao ở Bắc Ninh, anh bắt đầu theo đuổi công việc của một huấn luyện viên bơi lội.
Đến nay, anh đã dạy bơi cho hàng trăm học viên.
Huấn luyện viên bơi Trịnh Phương Giang. (Ảnh: Diên Vỹ) |
“Bơi là môn thể thao tốt cho sức khỏe, phù hợp với tất cả các lứa tuổi, chi phí cũng bình dân nên ai cũng có thể học được”, anh Giang nói.
Người cao tuổi nhất anh từng dạy là người phụ nữ 62 tuổi - một bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ.
Anh kể: “Bà cho biết, mình được bác sĩ khuyên đi học bơi để trị liệu. Khi bà đến học, cổ của học viên này khó cử động được, muốn xoay đầu, bà phải dùng tay để xoay.
Mặc dù quá trình tập luyện khá khó khăn vì lý do bệnh tật cùng với tuổi cao nhưng bà rất chăm chỉ. Trong vòng 15 buổi, bà đã có thể bơi được.
Sau một thời gian, kết hợp điều trị ở bệnh viện và tập bơi, hiện học viên này có thể thoải mái vận động cổ. Hàng ngày, dù mùa lạnh hay mùa nóng bà vẫn đi bơi đều đặn”.
Huấn luyện viên Giang chia sẻ, trung bình học bơi cơ bản chỉ 2,5 triệu đồng/khóa, còn học bơi nâng cao dao động từ 3 triệu - 4 triệu đồng.
Sau 3 tháng hè, nhiều huấn luyện viên thu nhập vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.
Công việc này tuy mang lại thu nhập cao nhưng chỉ có tính thời vụ. Ngoài 3 tháng hè, các tháng còn lại trong năm, anh và đồng nghiệp thường phải tìm công việc khác làm.
“Khi nhu cầu tập giảm, tôi quay trở lại công việc dạy bơi cho học sinh cấp 3, hướng dẫn đội tuyển.
Một số đồng nghiệp của tôi kinh doanh nhà hàng, bán quần áo tập để duy trì cuộc sống của gia đình. Dẫu sao, đây cũng chỉ là nghề tay trái”, anh Giang thở dài cho biết.
Cũng theo anh Giang, dạy bơi tưởng đơn giản nhưng là công việc khá vất vả, nhất là hướng dẫn đối tượng trẻ em.
Dạy trẻ nhỏ đòi hỏi người dạy phải có cả kỹ năng sư phạm tốt và lòng yêu trẻ. Các em nhỏ thường rất hiếu động, thích nước tuy nhiên cũng có những bé lại khá sợ nước.
Anh Giang bên một học viên nhỏ tuổi của mình. (Ảnh: Diên Vỹ) |
Để giải tỏa căng thẳng và giúp các em nhỏ trấn áp được nỗi sợ của mình, anh Giang thường cho các em tập làm quen với các kỹ thuật cơ bản như chống sặc, học cách nín thở và làm chủ cơ thể khi ở dưới nước…
Thầy giáo sinh năm 1983 cho biết thêm: “Với những em nhỏ tiếp thu nhanh chỉ khoảng 2 buổi là biết bơi nhưng em nào chậm thì mình phải kiên trì. Có trường hợp sau 10 buổi, cháu mới bơi được”.
Kể về kỷ niệm trong nghề của mình, nam huấn luyện viên chia sẻ, anh đặc biệt ấn tượng với trường hợp cậu bé mắc hội chứng tự kỷ, chân bị tật.
Cậu bé khoảng 10 tuổi, đang sống cùng ông bà nội. Hè năm 2017, em được gia đình đưa đến đăng ký học bơi. Gia cảnh em khá khó khăn, bà bán rau, ông làm nghề xe ôm nhưng thương cháu ông bà vẫn tằn tiện góp tiền cho cháu đi học.
Cậu bé chậm chạp, ít nói, hay la hét, đặc biệt không muốn xuống bể. Để cậu bé chịu xuống nước, anh Giang mất 3 buổi đầu ngồi chơi, tiếp cận, thu hút em bằng các trò chơi với bóng và phao.
Khi cậu bé quen với huấn luyện viên, anh Giang bắt đầu rủ cậu bé chơi bóng dưới nước.
Cuối cùng sau 5 ngày kiên trì, dùng nhiều biện pháp, anh Giang cũng bắt đầu dạy được những động tác cơ bản đầu tiên cho cậu bé.
Do cậu bé không nói được nhiều, giao tiếp khó khăn nên anh Giang phải kèm cặp từng động tác cho em.
“Một khóa tôi dạy trong 10 buổi nhưng gần hết khoảng thời gian đó, cậu bé vẫn chưa thể bơi được.
Tôi nói với ông bà nội cậu bé chịu khó đưa cháu đi học. Tôi sẽ dạy đến khi nào em biết bơi và không thu tiền nữa”, anh Giang tâm sự.
Cậu bé mặc dù tiếp thu chậm nhưng rất ham học. Một lần em cố gắng tập động tác khó mãi không được. Đôi chân bị tật bắt đầu mỏi, cậu bé bất ngờ kích động, la hét rồi khóc.
Nhìn hình ảnh đứa bé tội nghiệp đó, anh Giang bỗng dấy lên niềm thương cảm.
“Khoảnh khắc nhìn thấy cậu bé khóc, tôi cảm giác cháu rất tuyệt vọng. Có lẽ do không thể nói ra được những bất lực của mình, cháu mới gào thét như vậy.
Khi tôi vỗ về một lúc, cháu bình tĩnh hơn và đồng ý xuống bể tập tiếp. Sau một thời gian dài nỗ lực tập luyện giờ cậu bé có thể bơi khá tốt…”, huấn luyện viên Giang nghẹn ngào nhớ lại.
Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Mạnh (SN 1989 - Hải Dương) chia sẻ, dạy cho trẻ nhỏ, nhất là đối với các em khuyết tật, ngoài trách nhiệm, năng lực chuyên môn, người dạy phải thực sự tâm huyết và kiên trì.
Anh Mạnh dạy bơi cho các học viên. (Ảnh: Diên Vỹ) |
"Mỗi người có năng lực vận động và khả năng tiếp thu khác nhau. Vì thế tôi thường áp dụng nhiều phương pháp, từ đơn giản đến phức tạp, giúp cho người tập vượt qua nỗi sợ nước và biết bơi trong thời gian ngắn nhất" - anh bộc bạch.
Anh Mạnh cũng từng dạy cho một em nhỏ tên My (SN 2005) mắc hội chứng down. Quá trình tập, My có nhiều hành vi biểu hiện không bình thường, hay tự cắn vào tay mình.
Mỗi lần xuống nước chỉ sau khoảng 5 phút, cô bé đã đòi lên bờ. Nếu không cho lên cô bé vẫy vùng rồi cào, cấu cả huấn luyện viên và người nhà.
Gia đình thấy con như vậy nên nản chí, định cho con nghỉ. Nhưng anh Mạnh thuyết phục họ cho phép anh thử dạy cháu thêm vài ngày.
Anh phát hiện My thích nhìn những đồ vật có màu sắc rực rỡ. Mỗi lần tập, anh chuẩn bị một chiếc áo phao màu cam thả xuống bể.
Sau đó, anh đưa My xuống nước chơi cùng chiếc áo phao. Dần dần, cô bé chịu cho anh tiếp cận và dạy bơi.
“Tôi nghĩ dạy bơi cho các em nhỏ khuyết tật, dù các em không bơi thạo nhưng cũng tạo được phản xạ bơi cho các em khi chẳng may rơi xuống nước.
Qua đó, việc này có thể giảm thiểu những rủi ro khi các em vui chơi tại khu vực có ao, hồ, sông, suối”, huấn luyện viên sinh năm 1989 nói.
Quý bà cài bẫy 'đẻ thuê', huấn luyện viên thể hình gặp nạn
Bạn tôi lúc đó còn trẻ, mới 22 tuổi đầu nên sợ hãi. Cậu ấy báo ốm và xin nghỉ cả tuần ở nhà. Người phụ nữ vẫn không bỏ cuộc, cô ấy tiếp tục thuyết phục Minh bằng mọi cách.
Diên Vỹ - Minh Anh