Lào Cai đã xác định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh để các cấp, các ngành căn cứ thực hiện tốt mục tiêu “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhằm xây dựng và phát triển con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Cùng với đó, công tác văn hóa gia đình, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình đưa thông tin về cơ sở để góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tập quán lạc hậu, các hủ tục đã tồn tại suốt bao đời trong cộng đồng.
Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai, nhóm ngành Mông Xanh ở Lào Cai chỉ có khoảng 1.000 người, sinh sống tập trung duy nhất ở Văn Bàn nên nhiệm vụ bảo tồn văn hóa là rất quan trọng.
Mặc dù điều kiện kinh tế của cộng đồng còn nhiều khó khăn, song bản sắc văn hóa luôn được người Mông xanh giữ gìn gần như còn khá nguyên vẹn, luôn được bà con gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Cũng bởi vậy mà văn hóa của người Mông xanh có nét độc đáo riêng, không lẫn với dân tộc nào.
Từ nguồn lực của Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lồng ghép với các chương trình, dự án khác, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã tổ chức kiểm kê, khảo sát lại rất nhiều, đối với toàn bộ di sản văn hóa của người Mông Xanh ở Văn Bàn; đồng thời cũng có hỗ trợ giúp đồng bào phục dựng lại các lễ hội dân gian.
Để phát huy hiệu quả bảo tồn, những nghệ nhân văn hóa, văn nghệ, nghề truyền thống trong nhóm người Mông Xanh cũng đã được chọn lựa để hình thành nên các câu lạc bộ, sinh hoạt định kì nhằm phát huy, lan tỏa trong cộng đồng. Giữa thung lũng bao quanh bởi núi non điệp trùng, trong từng nếp nhà gỗ của tộc người Mông Xanh dễ thấy chiếc khung cửi như một vật dụng thiết yếu, bởi bà con nơi đây vẫn duy trì truyền thống trồng lanh, dệt vải từ bao đời.
Người Mông xanh ở xã Nậm Xé hiện có trên 120 hộ, với gần 1 nghìn khẩu; sinh sống chủ yếu ở 2 bản Tu Thượng và Tu Hạ. Ngoài trồng lanh, dệt vải, người Mông Xanh còn có truyền thống canh tác ruộng bậc thang một vụ lúa, trồng ngô, trồng thảo quả, phát triển chăn nuôi lợn bản địa, tham gia dự án trồng măng sặt, nghề rèn, đúc,…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi lợn bản địa, tham gia dự án trồng măng sặt để nâng cao kinh tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, bản làng no ấm, yên vui.