Suốt quá trình tồn tại và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số đã hình thành và phát triển nên một nền văn hóa độc đáo, đặc sắc, với nhiều loại hình, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều sắc màu. Đó là tài sản vô giá của đồng bào, phản ảnh thế giới quan, nhân sinh quan của một cộng đồng dân tộc trong mối quan hệ tương thích với môi trường sống, được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển.
Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã và đang có những biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Do đó, cần có hệ thống giải pháp, chính sách để bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào, trong đó phát huy vai trò của gia đình trong bảo tồn văn hóa là một trong những cách tiếp cận cần được chú trọng.
Theo TS. Nguyễn Hồng Hải, gia đình chính là nơi lưu giữ và trao truyền giá trị văn hóa tộc người. Với cái nôi gia đình, các giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền, thẩm thấu một cách tự nhiên. Hiện nay, phần lớn các dân tộc thiểu số ở nước ta đã phát huy được vai trò của thiết chế gia đình trong việc lưu truyền những nét văn hóa tốt đẹp của tộc người và trao truyền cho các thế hệ con cháu.
Trong gia đình các dân tộc thiểu số đều diễn ra các hoạt động gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ; trang phục, ẩm thực truyền thống; phong tục tập quán hôn nhân, cưới xin, ma chay, thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng... Chính việc thực hành những nét văn hóa đó trong gia đình đã trao truyền văn hóa tộc người từ đời này qua đời khác.
Chẳng hạn, đồng bào Thái gìn giữ nền nếp gia phong cơ bản là bằng cách thế hệ trước giữ gìn, truyền dạy cho thế hệ con cháu đời sau. Khi ở nhà thì nói tiếng Thái, còn đi làm ra ngoài giao tiếp, gặp người không biết nói tiếng Thái thì mình mới nói tiếng phổ thông. Các gia đình dân tộc Thái còn truyền cho thế hệ trẻ những món ẩm thực truyền thống của người Thái như: Rêu đá, cá bống vùi tro, xôi màu, hay những bài hát, điệu múa cổ của người Thái từ thời xưa truyền lại.
Và chính bản sắc văn hóa ấy đã trở thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến khám phá những nếp nhà sàn truyền thống, những bộ áo cóm ôm sát vòng eo đẹp đến mê hồn của các cô gái Thái và đặc biệt là những món ẩm thực, những bài hát, điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển bên ánh lửa của vòng xòe truyền thống.
Không chỉ có dân tộc Thái, mà hầu hết các gia đình dân tộc thiểu số đều có xu hướng gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Gia đình Dao đã kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ xa xưa để lại như: truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, sống có đạo hiếu với ông bà, cha mẹ, kính trên nhường dưới, vâng lời bố mẹ, ông bà; giữ gìn và phát triển nghề dệt may trang phục cho các thành viên trong gia đình của người phụ nữ...
Trong gia đình người Mông, người già truyền lại cho con cháu cách chế tác các nhạc cụ của người Mông như kèn lá, khèn, đàn môi; những bài cúng trong lễ hội Gầu tào, Tạ ơn; những bài hát dân ca, hát dao duyên tỏ tình....
Trong mỗi mái nhà, các thế hệ thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hành, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc mình cho thế hệ sau; nhất là về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, các nghề truyền thống...
Nhiều gia đình dân tộc thiểu số vẫn bảo lưu được truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ của tộc người, quan tâm thực hiện các nghi lễ vào dịp lễ tết, duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình, làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, hình thành và phát triển nhân cách và gìn giữ, phát huy cốt cách của tộc người, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
Hồng Linh