Sợi dây kết nối kiều bào xa quê
Trại hè Việt Nam là chương trình thường niên được tổ chức liên tục từ năm 2004 đến nay. Chương trình nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới với chủ trương “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và nhiệm vụ “Vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước…”.
Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết, chương trình nhằm xây dựng, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, sự gắn bó với nguồn cội, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ kiều bào đối với việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc, ngôn ngữ của dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó là tạo động lực thúc đẩy, tăng cường hoạt động của phong trào thanh niên, sinh viên kiều bào ở các nước; thúc đẩy giao lưu, hợp tác, hỗ trợ giữa thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sống và học tập ở các nước với nhau, giữa thanh thiếu niên ở trong và ngoài nước.
Chương trình còn kết nối kiều bào trẻ về nguồn cội, khuyến khích các em đóng góp thiết thực cho đất nước qua việc học tập tốt, lao động tốt, giúp đỡ cộng đồng ở sở tại, quảng bá những nét đẹp của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, xa hơn là đóng góp cho Tổ quốc sau này.
Trại hè Việt Nam năm 2023 có sự góp mặt của 120 đại biểu đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Phần lớn trại sinh đều nói được tiếng Việt nhưng vẫn có một số ít các em chưa am hiểu hoặc chưa nói tốt tiếng Việt.
Vì vậy, bên cạnh các hoạt động giúp thanh, thiếu niên kiều bào tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc, chương trình trại hè còn giúp các em tăng cường sử dụng tiếng Việt, tích cực thúc đẩy tình yêu tiếng Việt và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy tiếng Việt.
Hoạt động phong phú của trại hè giúp tăng sự gắn kết, khả năng giao tiếp tiếng Việt và hiểu thêm về văn hóa nguồn cội.
Nguyễn Tuấn Khang, kiều bào ở Hungary tâm sự: “Em thấy biết thêm một ngôn ngữ rất tốt, đây còn là tiếng dân tộc mình, tiếng mẹ đẻ của mình nên phải cố gắng học để nói được. Trong gia đình em, bố mẹ đều khuyến khích con cái nói tiếng Việt.
Khi về dự trại hè, tuy chúng em sinh ra và lớn lên ở nhiều quốc gia khác nhau nhưng có lẽ do cùng mang dòng máu Việt Nam, chung nguồn gốc đã xóa nhòa đi ranh giới, kéo các thành viên lại với nhau. Khi giao tiếp, chúng em cố gắng sử dụng tiếng Việt nhiều nhất có thể. Bạn nào yếu tiếng Việt sẽ được thành viên trong đoàn hỗ trợ, giảng lại từ đó”.
Đối với người Việt Nam sống ở nước ngoài, tiếng Việt không chỉ xác định danh tính dân tộc, mà ngôn ngữ đó còn thể hiện một bản sắc văn hóa, như sợi “dây rốn” nối liền để không tách rời những người con xa xứ với quê cha, đất Tổ.
Kiều bào trẻ giữ hồn cốt tiếng Việt
Hiện nay, với hơn 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là một tài sản tinh thần giúp khẳng định cội nguồn, là một yếu tố khiến mỗi người luôn có thể tự hào.
Trong quá trình tham gia Trại hè Việt Nam năm 2023, tôi được tiếp xúc, được nghe tâm sự của rất nhiều bạn thanh, thiếu niên kiều bào trở về từ Mỹ, Australia, Pháp, Ba Lan, Séc, Nga, Lào, Thái Lan… Các bạn đều có chung quan điểm, để giữ được văn hóa Việt, quan trọng nhất là giữ được hồn cốt tiếng Việt, qua đó, thế hệ trẻ sẽ thêm tự hào về bản sắc, truyền thống dân tộc.
Tuy nhiên, việc duy trì, bảo tồn tiếng Việt ở đất nước các bạn sinh sống, những nơi người gốc Việt sống tập trung đông thì có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, trau dồi vốn tiếng Việt. Còn đối với bà con ở các vùng xa, ít người Việt sinh sống thì việc được nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt khó khăn hơn rất nhiều.
Các bạn trẻ hứng thú với hoạt động trải nghiệm tại Khu di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).
Những năm qua, dạy và học tiếng Việt đã trở thành phong trào tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có đông người Việt sinh sống.
Năm nay, Lào có 11 học sinh, sinh viên tiêu biểu về tham dự trại hè. Bạn Trần Hà Phương, sinh năm 2007 cho biết, việc dạy và học tiếng Việt ở Lào rất sôi động. Mẹ em mở một lớp dạy tiếng Việt tại chùa Phật Tích, ngôi chùa mang đậm văn hóa Việt trên đất Lào để dạy cho con em kiều bào. Phương thường lên lớp hỗ trợ các công việc trên lớp, trợ giảng. Đồng thời kêu gọi mọi người đóng góp vào tủ sách tiếng Việt, giúp bà con kiều bào có thêm tư liệu học tập, giải trí bằng tiếng Việt.
Cũng trong đoàn đại biểu đến từ Lào, Vylaythong Việt Anh có mẹ là người Việt Nam, bố là người Lào. Bố em từng là sinh viên Lào học tại Việt Nam, yêu văn hóa Việt và nói rất tốt tiếng Việt. Vì vậy từ nhỏ, Vylaythong Việt Anh được tiếp cận, nói ngôn ngữ mẹ đẻ một cách tự nhiên nhất. Giờ em tự tin có thể nói, đọc sách, hát… và giao tiếp tốt bằng tiếng Việt.
Bạn Xayvisith Thipphakesone (tên tiếng Việt là Minh Thắng), sinh năm 2006 trong gia đình có mẹ là người Lào, bố là người mang hai dòng máu Lào – Việt. Ngay từ nhỏ, gia đình đã cho Xayvisith Thipphakesone đến Trường song ngữ Việt – Lào để học tiếng Việt và gìn giữ nguồn cội.
Theo chia sẻ của Xayvisith Thipphakesone: “Ở trường, em thích nhất môn Tiếng Việt. Qua các bài giảng của thầy cô, em biết thêm về cảnh đẹp, đất nước, con người Việt Nam. Tham gia Trại hè Việt Nam lần này, em rất háo hức.
Những ngày vừa qua, em đã được đi thăm các khu di tích Hoành Thành Thăng Long, Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) và Thành nhà Hồ (Thanh Hóa). Các địa danh này gắn với một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử của đất nước ta. Em ấn tượng với Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, đế đô đầu tiên của nước ta gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của triều Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý.
Tại đó, em cùng các bạn trại sinh khác được ngắm nhìn những công trình tường thành, cổng thành, đền, điện, chùa uy nghi và cổ kính, cùng nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo. Chúng em còn được đi thuyền trên sông Sào Khê, ngắm cảnh đẹp non nước”.
Xayvisith Thipphakesone cho biết thêm, tham gia trại hè, có bạn nói được tiếng Việt nhưng có bạn chưa nói được, vì vậy em thường hỗ trợ phiên dịch, hướng dẫn bạn giao tiếp tiếng Việt. “Các bạn học rất nhanh, chỉ vài lần hướng dẫn là ứng dụng luôn vào cuộc sống”, Xayvisith Thipphakesone chia sẻ.
Tuấn Phong, sinh năm 2006 có bố mẹ là người gốc Hà Nội. Em sang Lào định cư từ khi mới 5 tháng tuổi. Lớn lên trong môi trường văn hóa Lào, nói tiếng Lào nhưng em chưa bao giờ quên nguồn cội, quên dòng máu Việt Nam chảy trong mình. Tuấn Phong có khả năng đọc thông, viết thạo tiếng Việt Nam.
Chia sẻ về bí quyết nói tiếng Việt lưu loát, Tuấn Phong kể: “Em và bố mẹ dùng tiếng Việt trong mọi sinh hoạt giao tiếp. Vợ chồng chị gái và họ hàng của em vẫn ở Việt Nam. Năm nào, em cũng về thăm mọi người để có cơ hội nói tiếng Việt nhiều hơn. Ngoài ra, em chủ động kết bạn với những người bạn Việt Nam, trò chuyện với họ 100% bằng tiếng Việt.
Em nghĩ, những kiều bào trẻ như chúng em là nhân tố quan trọng để duy trì, bảo tồn tiếng Việt Nam trên khắp thế giới. Qua các hoạt động này, chúng em càng thấy có trách nhiệm giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình”.
Những ngày qua, khi đi tham quan di tích lịch sử, đến các ngôi đền thờ các vị vua, nhờ khả năng sử dụng tiếng Việt thành thạo, Tuấn Phong đã hướng dẫn, phân tích cho các bạn những thuật ngữ khó, từ Hán – Việt…
“Lúc đến Cố đô Hoa Lư, nghe cô hướng dẫn viên nói “vua băng hà”. Nhiều bạn không hiểu từ đó là gì? Em giải thích cho các bạn rằng, “băng hà” chỉ người đã mất nhưng nói theo cách trang trọng, người xưa thường dùng từ này cho nhà vua”, Tuấn Phong nhớ lại.
Mời quý độc giả theo dõi video: Tuấn Phong và Minh Thắng luyện đọc tiếng Việt trong Trại hè Việt Nam 2023":
Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/8/2022 và ngày 8/9 hằng năm được lựa chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đề án thể hiện sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào ở nước ngoài.
Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó nâng cao nhận thức của kiều bào đối với tiếng Việt, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước.
Dù các thế hệ kiều bào còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và truyền bá tiếng Việt ở nước ngoài, nhưng nếu mỗi người có ý thức và hành động bền bỉ, kiên trì và biết học hỏi kinh nghiệm thì chúng ta sẽ làm được.