Năm ấy, đầu xuân trời Hà Nội vẫn còn lạnh dưới 9 độ C, gió bấc hun hút. Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng nhìn mưa phùn rơi như bụi bay, nói với Nguyễn Quốc - cán bộ Văn phòng: “Chú đi với tôi xuống phường Láng Hạ - Đống Đa. Tôi thăm bác Trần Hữu Ái”.

Quốc nhìn về phía nhà xe, anh nghĩ rằng Bí thư sẽ đi bằng ôtô. Biết ý Quốc, Bí thư nói: “Ta đi bằng xe máy. Chú chở tôi”. Quốc vội ra nơi để chiếc Dream của anh. Quốc kiểm tra xăng, xem lại săm lốp. Đã đôi lần, Quốc chở Bí thư đi thăm các gia đình cán bộ, thăm các công trình xây dựng ở các phường, các quận.

Nhưng lần này, Quốc có chút ái ngại vì trời lạnh quá. Đôi tay anh buột cóng, nếu đi găng vào thì sợ lái không thật tay. Song Bí thư đã quyết thì không thể lùi. Tính Bí thư lâu nay giải quyết mọi công việc đều giữ nếp như thế.

Nguyễn Phú Trọng
Tháng 1/2000, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Trong ảnh, là hình ảnh ông phát biểu tại kỳ họp thứ 3 khóa XII, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội, ngày 21/7/2000. Ảnh tư liệu

Quốc nổ máy, Bí thư ngồi lên. Ông kéo mũ áo khoác trùm đầu rồi vòng hai tay ôm chặt tấm lưng căng phồng áo len, áo ấm của Quốc, trông chẳng khác gì chiếc xe ôm chở khách trên đường. Trời lạnh, mưa phùn càng thêm lạnh. Đường phố vắng. Người đi lại đều đội mũ, trùm đầu, đeo băng, chỉ hở đôi mắt. Đến các ngã tư gặp đèn đỏ, Quốc dừng xe từ xa.

Người đi đường đã nhận ra Bí thư ngồi sau xe. Họ phanh xe đi chậm lại hoặc dấn ga vượt lên, vẫy tay chào Bí thư.

Trong tốp khách đi đường đã râm ran truyền tai nhau: “Ông Bí thư Thành ủy đi xe ôm”, “Ông Ủy viên Bộ Chính trị đi xe ôm”, “Chỉ thị tiết kiệm của Nhà nước thế mới thiêng chứ”...

Đến đường Hoàng Ngọc Phách rẽ vào một ngõ nhỏ, Quốc gửi xe máy. Bí thư đứng chờ. Bà giữ xe nghiêng ngó một lát rồi nhận ra Bí thư. Bà vội bỏ khăn trùm đầu. Bà đi ra chào Bí thư với nụ cười kính trọng.

- Trời lạnh, bác ngồi đây lộng gió có rét lắm không?

Bí thư đáp lễ bà bằng câu hỏi và cầm lấy bàn tay giá lạnh của bà.

- Đi làm ngoài này tuy rét, nhưng cũng đủ áo ấm khăn quàng bác ạ. Do đời sống của dân được nâng lên nhiều, một số nhà đã có lò sưởi, còn bà con đều có đầy đủ áo ấm, chăn đệm, mũ đội đầu, khăn quàng đẹp và nước nóng dùng - Bà cười rất vui - Bác ơi, lớp trẻ nó còn mong trời rét hơn nữa đấy để trưng diện mốt áo quần đẹp mà...

Tin Bí thư Thành ủy đến khu dân cư lan nhanh. Bà con ra vẫy tay chào đón ông. Trời rét nhưng nét mặt ai cũng vui tươi, nụ cười rạng rỡ, nét mặt người dân Thủ đô thời đổi mới.

Nhà bác Trần Hữu Ái ở sâu trong ngõ. Nhà bác là gia đình lão thành cách mạng. Các cụ sinh thành ra bác là chiến sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh năm 1930. Bác Ái là cán bộ trong Tổng đội Thanh niên xung phong ở An toàn khu thời kháng chiến chống Pháp. Hiện bác là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận cụm 8.

Lúc ấy, trong nhà các cháu nội ngoại đang quây quần quanh hai bác. Bác Ái có nếp nhà rất vui là vào những lúc con cháu sum họp đông, bác thường kể chuyện lịch sử cho các cháu nghe. Tối hôm kia, bác kể chuyện thời nhà Lý có ông tướng quân Lý Thường Kiệt đi thăm dân các trại, ấp. Dân ra đón mừng, ông cúi đầu chào rồi thăm hỏi các cụ già râu bạc trời cho trăm tuổi trước. Kế đến, ông mới hỏi các vị hương hào, chức sắc...

Hôm qua, bác kể cho các cháu nghe chuyện thời nhà Trần, bà vợ Thái sư Trần Thủ Độ có lần đi xe ngựa qua cổng vào cấm thành không chịu dừng ngựa xuống xe. Lính canh cổng không cho bà vào. Bà bực bội, tâu chuyện đó với chồng. Thế nhưng Trần Thủ Độ không những không quở trách lính canh, mà ngài còn ban thưởng lụa là cho họ, khen họ giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Lúc này, bác Ái đang kể cho đàn cháu nghe chuyện vua Lê Thánh Tông vi hành thăm dân tứ trấn Thăng Long. Ngài vào quán bà lão bán nước chè, chuyện trò với bà, rồi làm câu đối “... nương nhờ ấm chén”, tặng bà... Bỗng nghe tiếng chuông cửa reo, bác Ái đi ra. Rồi cả gia đình bác ra đón chào Bí thư Thành ủy.

Vào đến cửa, Bí thư cúi xuống… cởi dây giày.

- Mời đồng chí cứ đi vào - bác Ái nói.

- Nhập gia tùy tục, bác cho tôi được theo nếp nhà.

Trong không khí vui vẻ, hương chè bác gái pha đón khách thơm ngon tỏa ấm, Bí thư nói, giọng ông thân tình, cởi mở: “Nhận được thư của bác, biết bác muốn gặp Thành ủy. Đầu năm, tôi và anh em có ý mời bác lên thăm, nhưng trời rét kéo dài, tôi đến nhà chúc sức khỏe hai bác và gia đình để được trực tiếp nghe bác nói thì tiện hơn, gần gũi hơn...”.

Bác Ái cảm ơn Bí thư. Tháng trước, bác có gửi thư lên Thành ủy. Bác tập hợp những ý kiến xây dựng của các tổ trưởng dân phố, của bà con trong cụm dân cư đề đạt lên.

Hôm nay bác nói hết với Bí thư. Với giọng nói xứ Nghệ chân tình bộc trực - giọng nói tâm huyết của người đã suốt cuộc đời đi theo Đảng dốc lòng xây dựng chế độ, bác báo cáo với Bí thư tình hình bà con trong cụm dân cư, bác nói bà con rất vui mừng. Mức sống các gia đình được nâng lên rõ rệt, các tệ nạn xã hội không xảy ra. Trong cụm dân cư, 6 tổ dân phố không có vụ tiêu cực, trọng án. Các tổ đều đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”.

Bà con tin vào đường lối của Đảng, tin vào sự chỉ đạo của Thành ủy, tin vào các chính sách của Nhà nước. Các đảng viên lão thành, Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, tích cực góp phần với Đảng bộ, với nhân dân xây dựng phường Láng Hạ xứng là phường nhiều năm được thành phố khen...

Còn những điều hôm nay đề đạt với Bí thư, bác xin phép đồng chí được nói thẳng, nói thật. Bí thư đứng dậy, hai tay cầm chặt bàn tay gầy guộc của bác: “Bác cứ nói, nếu thành phố có những điều còn sơ xuất làm chưa đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tôi sẽ truyền đạt lại với Thành ủy để chỉ đạo anh em làm đúng, làm tốt hơn...”.

Trước thái độ cởi mở rất đời thường của Bí thư, bác Ái đã nói rất thật những điều bức xúc đã xảy ra ở đây. Một số gia đình đến nay vẫn chưa được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù hồ sơ đã nộp đủ từ những năm 2000. Một số cán bộ cơ sở được giao “quyền hành” đã có những việc làm sách nhiễu, thái độ cư xử... không thuận lòng dân. Đây đó có những hành vi “ăn” của dân hàng mấy triệu đồng, dưới hình thức làm dịch vụ”, dân mới được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Bí thư ngồi lắng nghe. Bỗng ông đặt chén nước xuống bàn. Chén nước sóng sánh như sự băn khoăn cuộn lên trong lòng. Bí thư bỏ chiếc mũ ấm đang đội trên đầu xuống:

- Giấy chứng nhận là của Nhà nước cấp cho dân, chuyển xuống tận từng hộ gia đình, làm sao lại phải mất tiền hàng triệu cho dịch vụ. Bác nói rõ thêm.

- Thưa Bí thư, có sự việc như thế là do cơ sở có thời gian làm theo cơ chế dịch vụ. Nghĩa là ai có tiền đến nhờ thì làm được ngay. Còn những người tin vào chính sách, nộp hồ sơ theo con đường chính thống thì phải chờ. Có người đã chờ năm, sáu nay rồi... Nghe những điều ấy, gương mặt Bí thư trầm lắng xuống hiện rõ sự bất bình với những việc làm nhũng nhiễu, phiền hà mà bà con ở cơ sở đang phải gánh chịu. Bí thư nói:

- Về đất đai, tôi biết thành phố còn nhiều việc phải làm. Ngay nhà tôi, các cháu cũng phải nhờ mà rất khó mới làm được. Còn việc gì bà con đang mắc mớ, bác cứ cho biết để tôi góp ý với anh em.

Bác Ái nói thêm với Bí thư về dự án đưa nước sạch đến tận nhà dân. Đó là điều mong ước từ lâu của bà con nay đã thành sự thật. Bà con rất hoan nghênh thành phố đã thiết thực chăm lo đời sống cho dân. Tuy vậy, việc làm cụ thể thì còn nhiều chi tiết chưa thuận lòng dân. Như việc đồng hồ đo nước một số gia đình mới đặt cũng phải dỡ bỏ mà bị ép mua cái đắt tiền thay thế. Một đoạn ống chỉ dài hơn một mét dẫn nước vào nhà cũng bắt dân phải nộp 400 - 500 ngàn đồng... Có thời gian dân phải chịu cảnh mất nước đến ba ngày mà không ai thông báo cắt. Các gia đình nháo nhác xin nhau từng gáo nước để dùng.

- Đúng là mọi việc làm phải giám sát chặt chẽ, phải tính toán chu đáo, phải để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Nếu thả lỏng là tiếp tay cho tiêu cực... Bí thư nói chậm rãi. Giọng ông rất thân tình: “Bà con có đề đạt điều gì với Thành ủy nữa không. Bác cứ trao đổi thoải mái. Thực ra cũng không mấy khi được nghe các bác nói những điều cụ thể về cuộc sống của người dân như thế này”.

- Thưa đồng chí Bí thư. Bà con xin kiến nghị với Bí thư, với Thành ủy hai điều. Một là, Thành ủy và cả Nhà nước ta nên có chỉ thị hoặc có cuộc vận động “Cấp dưới phải báo cáo đúng tình hình thực tế ở cơ sở với cấp trên. Cấp trên phải có biện pháp, cơ chế kiểm tra để biết đúng tình hình ở cơ sở”. Vì thưa Bí thư, với sự chạy theo thành tích như hiện nay xảy ra khắp nơi thì những khiếm khuyết, tồn tại hoặc sai trái đều được ém nhẹm, còn thành tích ít thì thường được thổi phồng, đơm đặt thêm.

Hai là, các tổ trưởng dân phố và bà con có ý kiến rằng, mọi việc cấp phường, quận đưa ra vận động làm thì dân làm rất chu đáo, làm đến đầu đến đũa. Như vậy cũng phải thôi, việc làm để xây dựng thành phố là nghĩa vụ, là trách nhiệm không ai trễ nải được. Thế nhưng những việc chính đáng như cải thiện môi trường, nâng cao cuộc sống cho dân, làm xanh, sạch, đẹp thành phố, trong tầm tay các cấp phường, quận làm được mà dân đề đạt lên hàng tháng, hàng năm, có khi hai, ba khóa hội đồng nhân dân rồi mà các cấp cứ im lặng, dân mỏi mắt trông chờ.

- Bác nói rõ thêm cho vài điều cụ thể.

- Thưa Bí thư. Ví như việc có bảy ngôi nhà dân xây ra gần giữa lòng đường Hoàng Ngọc Phách làm dịch vụ bán hàng. Con đường giữa trung tâm Thủ đô phải uốn cong như chữ S! Ngày nào ở đây cũng tắc nghẽn giao thông. Vậy mà không ai trả lời cho dân vì sao lại không di dời được. Ví như nhiều “điểm đen” khác trong cụm dân cư: Trước cửa trường học nơi tiếp giáp đường Huỳnh Thúc Kháng, Nguyên Hồng..; cạnh vườn hoa đường Nguyên Hồng... cảnh hàng quán, xe ôtô đậu, người đánh bài, đánh cờ, xe tập kết rác thải..., tan trường gần hai ngàn các cháu nghẽn lối ra, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, dân kiến nghị nhiều năm nay rồi nhưng không ai ngó ngàng đến.

- Cảm ơn bác rất nhiều. Những kiến nghị của bà con, tôi xin ghi nhận. Có đến tận nơi thăm sức khỏe bác, được nghe bác nói những ý kiến xây dựng, những nguyện vọng chính đáng của bà con, mới thấy rằng Thành ủy, Ủy ban Nhân dân mặc dù những năm qua đã làm được rất nhiều việc, tạo nên nhiều thành quả tốt nhưng vẫn còn rất nhiều việc nữa phải làm để chăm lo đến cuộc sống của người dân Thủ đô...

Bí thư thân mật nói với bác Ái về các chủ trương công tác của thành phố như cải cách hành chính, đại hội đảng các cấp... Bí thư mong bác Ái cùng các đảng viên lão thành, Hội người cao tuổi hăng hái hoạt động làm gương cho con cháu như lời ông cha ta đã dạy “Trẻ xông pha, già mẫu mực” để cùng nhau xây dựng Thủ đô...

Sự gần gũi, thân tình của Bí thư làm cho không khí gia đình bác Ái giữa ngày giá lạnh mà ai cũng cảm thấy ấm áp.

Điều mà cụm dân cư số 8 rất vui mừng là sau ngày Bí thư về thăm không lâu, ngót trăm hộ gia đình nộp hồ sơ, đúng luật từ những năm trước đều được quận, phường mời lên nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những cán bộ trước có việc làm mất lòng dân, bước đầu đã có thái độ phục vụ bà con mềm mại hơn, thuận lòng dân hơn để nhằm vươn tới tiêu chí “Cán bộ là người đày tớ của dân”. Và, những “cò đất” lợi dụng việc làm dịch vụ nhận sổ đỏ cho các gia đình nhẹ dạ cả tin để thu hàng triệu đồng tiền bất chính đã bị xử lý, phải trả lại số tiền đó...

Từ ngày ấy, trong “sưu tập” chuyện lịch sử bác Ái kể cho các cháu nghe đã có thêm câu chuyện: “Giữa ngày mưa rét, Bí thư Thành ủy ngồi sau xe máy đến thăm dân”.

Trần Hữu TòngBáo Người Hà Nội số 14, ra ngày 7/4/2006

(Bài viết được tuyển chọn đăng trong cuốn “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế" - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)