Tại huyện Sơn Tịnh, đầu năm 2024, số hộ nghèo toàn huyện còn 382 hộ, tỷ lệ 1,41%; hộ cận nghèo là 774 hộ (2,85%). Theo kế hoạch chỉ tiêu được giao bởi UBND tỉnh Quảng Ngãi, huyện cần giảm số hộ nghèo xuống 332 hộ (giảm về 1,19%) còn hộ cân nghèo giảm về 629 hộ (tương đương 2,25%).

Ông Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, cho biết năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, tổng cộng kinh phí thực hiện Tiểu dự án 1 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn của Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, Sơn Tịnh tổng cộng được giao hơn 1,3 tỷ đồng.

Huyện đã phân bổ kinh phí cho Phòng LĐ-TB&XH huyện và UBND 9 xã (Tịnh Đông, Tịnh Bắc, Tịnh Hiệp, Tịnh Trà, Tịnh Bình, Tịnh Sơn, Tịnh Hà, Tịnh Thọ, Tịnh Phong) tất cả kinh phí này.

Theo báo cáo ngày 17/10 của UBND huyện Sơn Tịnh, Phòng LĐ-TB&XH huyện và UBND các xã đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 168 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Theo đó, 120 lao động thuộc 5 xã được đào tạo nghề phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm; 21 lao động ở xã Tịnh Giang được đào tạo chăn nuôi gia súc, gia cầm và 27 lao động ở xã Tịnh Bình được đào tạo nghề trồng nấm. Hiện huyện chuẩn bị khai giảng lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 34 người lao động ở xã Tịnh Sơn. 

Xã Tịnh Bình, nơi hiện còn 31 hộ nghèo và 65 hộ cận nghèo, vừa khai tập huấn, đào tạo các mô hình trồng nấm cho người dân địa phương. 

Một trong số 27 lao động vừa tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm tại xã Tịnh Bình là bà Hà Thị Ngân (47 tuổi, thôn Bình Nam). Sau khi được truyền đạt kiến thức tại lớp tập huấn, bà Ngân cùng các học viên liền thực hành, triển khai trồng nấm rơm tại vườn nhà.

Tận mắt chứng kiến phôi nấm nhô lên sau vài ngày được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, nấm có thể cho thu hoạch trong khoảng 13 ngày nữa, bà Ngân và các học viên rất vui và thêm nhiều hi vọng về sinh kế, việc làm tới đây. Theo bà, nấm rơm là loại dễ trồng nhưng phải thực hiện đúng hướng dẫn mới đạt kết quả tốt.

Để làm đúng hướng dẫn, lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo như bà Ngân cần được hướng dẫn, đào tạo xử lý rơm đúng cách, chọn giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm khuẩn hay theo dõi nhiệt độ và độ ẩm tại khu vực trồng nấm... Đây là những điều kiện để nấm đạt năng suất và chất lượng cao.

Lãnh đạo xã Tịnh Bình cho biết việc nhân rộng, triển khai mô hình cho học viên tham gia các lớp đào tạo nghề sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Với nguồn rơm dồi dào, sẵn có, các hộ gia đình chỉ cần đầu tư chưa đến 5 triệu đồng có thể sở hữu một trại sản xuất nấm với diện tích khoảng 100m2 và có thể thu về lợi nhuận từ 7 - 10 triệu đồng sau một tháng triển khai. Đây thực sự là cơ hội, hướng đi để người nghèo vươn lên, vừa có sinh kế, vừa có việc làm bền vững về lâu dài để giảm nghèo.

W-giam ngheo .jpg
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng nghèo, vùng khó khăn là dự án quan trọng trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. 

Tương tự, tại xã Tịnh Hà, ông Nguyễn Văn Báu, 51 tuổi, là hộ nghèo thôn Hà Trung, cũng vừa được tham gia lớp tập huấn về thú y, phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm. Trước đây, dù việc chăn nuôi gia súc, gia cầm là sinh kế chủ yếu đưa lại nguồn thu nhập cho hộ nghèo này, nhưng mỗi khi gà, lợn, bò bị dịch bệnh, ông Báu rất lúng túng.

Từ ngày được tập huấn, đào tạo, ông Báu có kỹ năng, kiến thức về thú y, ông tự tin trong chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Ông cũng chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị, vật tư y tế cần thiết chăm sóc đàn vật nuôi. 

Dù có nhiều tín hiệu khả quan trong công tác đào tạo nghề cho lao động nghèo, nhưng lãnh đạo UBND huyện Sơn Tịnh cũng cho biết còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4. 

Đơn cử, về nội dung hỗ trợ được ghi rõ trong Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, hiện nay, huyện Sơn Tịnh có trên 70% hộ nghèo không có khả năng lao động (270/382 hộ), 38% hộ cận nghèo không có khả năng lao động (293/774 hộ), hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp chủ yếu là thuộc diện hộ cận nghèo.

UBND huyện đã chỉ đạo các xã khảo sát, thống kê, đăng ký nhu cầu học nghề nhưng số lượng nhu cầu học nghề có hạn, trong năm 2023 đã thực hiện đào tạo đối với số lượng lao động có nhu cầu học nghề. Mặt khác, tiêu chí xác định hộ có thu nhập thấp chưa được Bộ LĐ-TB&XH quy định và hướng dẫn xác định, nên trong năm 2024 chỉ đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, số lượng hạn chế dẫn đến tiểu dự án này khó thực hiện.

Do đó, huyện đề nghị cấp thẩm quyền quy định tiêu chí xác định hộ có thu nhập thấp để thực hiện việc đào tạo nghề ngắn hạn thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn.