Thị xã Ngã Năm nằm ở phía Tây, thuộc vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng. Đầu năm nay, thị xã còn 362 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,8%; hộ cận nghèo là 1.993 hộ chiếm tỷ lệ 9.7%, hộ có mức sống trung bình là 3.248 hộ chiếm 15,8%.
Mới đây nhất, theo rà soát, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình cuối năm 2024 trên toàn địa bàn thị xã Ngã Năm, thị xã có 150 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,7%; hộ cận nghèo có 1.212 hộ, chiếm tỷ lệ 5,9%; Hộ có mức sống trung bình năm 2024 là 4.183 hộ, chiếm tỷ lệ 20,4%).
Kết quả rà soát cho thấy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã Ngã Năm giảm 1,1% tương đương giảm 212 hộ; trong đó hộ Khmer nghèo giảm 3,28% tương đương giảm 53 hộ (giảm từ 6,17% xuống còn 2,89%), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đang ngày càng chứng tỏ hiệu quả thiết thực trong việc tác động trực tiếp, căn cơ vào đời sống người nghèo theo hướng tích cực.
Thuộc diện cận nghèo ấp Vĩnh Đồng, xã Vĩnh Quới là gia đình ông Mai Văn Út Đẹp. Thu nhập chủ yếu từ việc đi làm thuê, làm mướn theo thời vụ không đủ nuôi sống gia đình. Năm trước, gia đình ông được chính quyền xã xét chọn hỗ trợ mô hình chăn nuôi vịt xiêm Pháp, với 150 con giống vịt và 25 bao thức ăn từ Dự án 2.
Được hỗ trợ đàn vịt, vợ chồng ông thay phiên nhau chăm sóc. Để giảm chi phí, ông còn tận dụng thêm nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương (ốc bươu vàng) để cho đàn vịt ăn phụ thêm. Giống vịt dễ nuôi, mau lớn, trọng lượng mỗi con từ 3-4kg. Sau khoảng 3 tháng, đàn vịt phát triển khỏe mạnh, ông Đẹp cho xuất đàn hơn 100 con, giá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.
Chỉ sau một lứa, ông đã có vốn tái đàn và mua thêm 100 con giống vịt siêu ngỗng và 50 con vịt đẻ trứng để nuôi thử nghiệm. Riêng vịt đẻ, mỗi đêm gia đình ông thu gom được hơn 40 quả trứng, với mức giá 25.000 đồng/chục.
Nguồn sinh kế hợp lý mở ra cơ hội thoát nghèo rộng mở đối với gia đình ông Đẹp và nhiều gia đình khác ở xã Vĩnh Quới này. 3 năm nay, UBND xã Vĩnh Quới đã triển khai thực hiện các mô hình, như: chăn nuôi vịt xiêm Pháp, chăn nuôi gà và nuôi heo thịt cho 82 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã, với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng.
Không chỉ hỗ trợ con giống, thức ăn, dự án còn hỗ trợ bà con kỹ thuật chăm sóc vật nuôi và thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình phát triển các mô hình. Đến nay, các gia đình chia sẻ, sau quá trình chăm nuôi, khi xuất đàn, bà con thu về trung bình trên 20 triệu đồng/hộ. Năm 2024, người dân có nguyện vọng chuyển sang mô hình nuôi lợn thịt.
Gia đình chị Trần Thị Huyền, ấp Vĩnh Đồng, hộ cận nghèo, là một trong số những hộ được hỗ trợ lợn thịt từ nguồn dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024. Hiểu hoàn cảnh gia đình thiếu vốn đầu tư, mới đây, chính quyền địa phương rà soát bình chọn từ cơ sở, hỗ trợ gia đình chị 5 con lợn giống và 35 bao thức ăn. Các hộ dân còn được tập huấn kỹ thuật và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi để tạo sinh kế, giải quyết việc làm.
Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững không chỉ giúp hộ nghèo tăng thu nhập mà còn tạo thêm niềm tin vào giá trị của sức lao động, nội lực tự thân bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, thị xã Ngã Năm thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Ông Danh Sơn (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) chia sẻ gia đình trước kia thuộc diện hộ nghèo. Từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn mô hình đan đát lục bình thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đời sống đã khá hơn trước, gia đình đã thoát nghèo. Không chỉ gia đình ông Sơn, gần đây, mô hình đan đát giúp bà con Khmer có thêm thu nhập, trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng.
Bà con trong ấp Vĩnh Hoà (xã Vĩnh Quới) cũng rất phấn khởi vì được Nhà nước hỗ trợ tham gia mô hình đan thủ công mỹ nghệ (đan lục bình), thu nhập trung bình từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày/người.
Từ các chương trình MTQG, địa phương xây dựng nhiều công trình, từng bước hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trao đổi hàng hóa, ổn định sản xuất, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.