Qua đó giúp người nghèo từng bước nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức và quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thiếu hụt thông tin là một trong những chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Để giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt thông tin, kiến thức, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin truyền thông; tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, website của tỉnh và các ngành, địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở; cấp phát tờ rơi, tờ gấp…

Từ đó, giúp người dân dễ tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, học hỏi cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả; đồng thời khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp, ngành, địa phương tăng cường đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ viễn thông, ưu tiên các khu vực nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ có thể truy cập wifi, mạng di động giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống như thanh toán tiền online; cài đặt ứng dụng định danh điện tử, bảo hiểm xã hội; thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, hiện toàn tỉnh có 3.100 trạm thu phát sóng di động, phủ sóng di động 3G, 4G và 2 trạm 5G của Viettel; có 1.350.000 thuê bao điện thoại di động đang hoạt động thông qua 5 nhà cung cấp dịch vụ là Viettel Vĩnh Phúc, VNPT Vĩnh Phúc, FPT Vĩnh Phúc, Công ty SCRV và VTVcap.

Cùng đó, các xã, phường, thị trấn của tỉnh đã thành lập và kiện toàn 1.240 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 9.900 thành viên. Các Tổ công nghệ số cộng đồng góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nghèo về thông tin, đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân; giúp người dân, nhất là hộ nghèo tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Bà Lâm Thị Thu Hiền, công chức văn hóa - xã hội phụ trách lĩnh vực LĐ-TB&XH, UBND xã Minh Quang (Tam Đảo) cho biết: "Hiện toàn xã còn 24 hộ nghèo, chiếm 0,65%. Để các hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, xã đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân tiếp cận các thông tin thiết yếu, cải thiện cuộc sống như tăng cường tuyên truyền về công tác giảm nghèo thông qua hệ thống loa truyền thanh, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của các đoàn thể; tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề đến người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn đã thành lập các nhóm Zalo cộng đồng để tư vấn, hỗ trợ người nghèo cài đặt một số ứng dụng cơ bản, có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, như các ứng dụng về thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công; học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương vượt khó thoát nghèo trên mạng internet… giúp người dân chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, cách thoát nghèo".

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai đa dạng các giải pháp truyền thông, hỗ trợ người dân giảm nghèo về thông tin, điều kiện sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo đã được cải thiện rõ rệt, giúp người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo thông tin, giúp người dân nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại số.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 2.094 hộ nghèo đa chiều, chiếm 0,61%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực thành thị giảm còn 0,49%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,66%; 9/9 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, vượt mục tiêu giảm nghèo của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo Minh Nguyệt (Báo Vĩnh Phúc)