Theo bà Trần Thị Huyền Thanh, Trưởng ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam, chương trình truyền thông nhằm giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn thay đổi "nếp nghĩ cách làm" từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, phát triển kinh tế cũng như phát huy thế mạnh tài nguyên bản địa tại địa phương, giúp chị em nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình và tham gia đóng góp cho cộng đồng. 

Đây là chuỗi hoạt động nhằm triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG 1719 tại các tỉnh, thành phía Nam năm 2024.

phu nu an giang.png
Chị em phụ nữ tham gia chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, thay đổi nếp nghĩ cách làm 

Chuỗi hoạt động bao gồm tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao quyền năng kinh tế; Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công của chị, em phụ nữ DTTS ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, truyền cảm hứng cho phụ nữ DTTS vươn lên tự tin, phát triển kinh tế gia đình.

Hội LHPN Việt Nam phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động hướng dẫn phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối thị trường, xây dựng kênh bán hàng và quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội do các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn người tham gia.

Ngoài ra, chương trình còn quảng bá sản phẩm bản địa, kết nối thị trường tiêu thụ… nhằm hỗ trợ phụ nữ  DTTS nâng cao quyền năng kinh tế. 

An Phú là một huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh An Giang. Đến năm 2023, huyện An Phú có 41.504 hộ với 148.230 nhân khẩu, trong đó, đồng bào DTTS có 2.222 hộ với 8.611 nhân khẩu, chiếm 5,8% tổng dân số toàn huyện.