Khu vực đỉnh Giăng Màn có độ cao hơn 1.000m, là địa phận giáp ranh giữa xã Thanh Hà và Thanh Mai (huyện Thanh Chương).

Phóng viên phải mất hơn 2 giờ lội bộ qua nhiều núi đồi mới có thể tiếp cận hiện trường vụ rừng tự nhiên bị tàn phá.

Khu vực rừng tự nhiên bị tàn phá nằm giữa 2 xã Thanh Mai và Thanh Hà. Ảnh: Việt Hoà

Tại hiện trường, một mảng rừng rộng lớn bị đốt tan hoang, phát xẻ nham nhở. Men theo con đường mới được đào bới ở khu vực dài hàng km dọc sườn núi, xuất hiện nhiều gốc cây bị chặt, đào xới, nằm trơ trọi.

Đi ngược lên khu vực đỉnh núi, dễ thấy hàng chục cây gỗ rừng bị chặt hạ không thương tiếc, dấu vết vẫn còn rất mới. Nhiều phần thân được cưa xẻ từng khúc 2 – 4m nằm bên sườn núi; cành, ngọn vẫn ngổn ngang tại hiện trường. 

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị chặt hạ, dấu vết còn rất mới.

Cây gỗ bị chặt hạ có đường kính khoảng từ 20 - 45cm. Người dân địa phương cho biết, các cây gỗ này chủ yếu là trẹo, trín, vạng tuổi đời lâu năm. 

Điều đáng nói, tại thời điểm ghi nhận, trên những gốc cây, khúc gỗ tại khu vực, chưa có đánh dấu thể hiện việc đã được lực lượng chức năng kiểm tra.

Rừng bị chặt hạ nằm giáp ranh 2 xã

Ông Bùi Văn Tích, cán bộ lâm nghiệp xã Thanh Mai cho biết, sau khi nhận được phản ánh, ông đã lên hiện trường để kiểm tra. Ông gặp đoàn của UBND xã Thanh Hà và lực lượng kiểm lâm cũng có mặt tại hiện trường. 

“Khu vực tập kết hàng chục khúc gỗ, nghe cán bộ kiểm lâm bảo ở xã Thanh Hà, còn một số gốc cây thì ở phía đất của xã Thanh Mai”, ông Tích nói.

Những gốc cây bị đốn hạ, phần thân đã di chuyển chỗ khác.

Vết cắt tại một gốc cây lớn còn đầy nhựa.
Thân cây lớn còn nằm lại hiện trường.

Trong khi đó, ông Lê Văn Kiên, cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Thanh Chương cho hay: “Khu vực này là ranh giới giữa xã Thanh Hà và Thanh Mai. Tôi gửi tọa độ ra ngoài hạt nhờ xác định thì biết có một ít gốc chặt lấn sang đất của xã Thanh Mai.

Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một công dân xã Thanh Hà đang chuẩn bị dùng trâu để kéo một số lóng gỗ về. Chúng tôi đã yêu cầu đưa về ủy ban xã để lập biên bản, xử lý”. 

Thân cây có đường kính khoảng 40cm bị đốn hạ.
Theo người dân địa phương, các cây gỗ này chủ yếu là trẹo, trín, vạng.

Cũng theo vị cán bộ kiểm lâm, qua kiểm tra thấy một số gỗ bị cắt đang để dưới gốc, nằm trên phần đất ở xã Thanh Mai, thuộc rừng tự nhiên. Còn 12 lóng gỗ tập kết một chỗ lại nằm trên đất thuộc xã Thanh Hà.

Qua tìm hiểu của PV, tại khu vực đỉnh Giăng Màn, phần rừng phía xã Thanh Hà chủ yếu đang do UBND xã quản lý, còn phía Thanh Mai được giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ.

Dấu vết phá rừng còn rất mới...
Nhiều thân gỗ lớn chưa được chuyển đi.
Cành ngọn bị vứt lại, nằm ngổn ngang trên hiện trường.

“Để làm rõ chính xác loại rừng, chủ rừng, người chặt phá và phần diện tích của xã Thanh Mai hay Thanh Hà bao nhiêu thì phải có cán bộ chuyên môn, thiết bị… để xác định cụ thể. Ngày mai, UBND xã và Hạt kiểm lâm sẽ vào kiểm tra, đo đếm thực tế tại hiện trường”, lãnh đạo UBND xã Thanh Mai nói.  

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.