Các phim trường tại Trung Quốc luôn sáng đèn bất kể ngày hay đêm, nhưng ẩn sau sự hào nhoáng, phù phiếm lại những câu chuyện hậu trường với đầy rẫy những mảng tối tội lỗi.
“Ngành công nghiệp giải trí luôn có nhiều vết đen và những quy tắc chỉ người trong cuộc mới hiểu và cảm thông cho số phận của nhau. Vòng tròn giải trí là một chuỗi sinh thái dị thường. Điều này khiến nhiều người không thể ngừng đặt câu hỏi nếu muốn sống sót và thành danh giới nghệ sĩ đã trải qua những gì trên các phim trường”, Ifeng bình luận.
Chuỗi sinh thái dị thường
"Gạ gẫm công khai, thẳng tay trạm hạ nếu không vâng lời là lệnh trong showbiz. Một khi đã bước vào cuộc chơi bạn phải tuân thủ luật, người chống đối sẽ chắc chắn sẽ nhận lấy hình phạt. Đó là điều Dương Mịch hay Dương Dung đều từng nếm trải”, QQ bình luận.
Theo Ifeng, chỉ tính riêng ở Bắc Kinh đã hơn 100.000 diễn viên. Trong đó có hơn 80% sinh viên tốt nghiệp từ các trường nghệ thuật, nhưng có đến 90% nhân sự phải đóng vai phụ trên màn ảnh. Không chỉ vậy, chỉ 0,01% người trong số 100.000 diễn viên nói trên thực sự là những ngôi sao hàng đầu showbiz.
Dương Mịch từng là nạn nhân bị các đạo diễn gạ gẫm khi đi thử vai. |
Chính vì vậy, nắm bắt tâm lý một bước muốn thành sao của nhiều diễn viên trẻ, không ít đạo diễn đưa ra yêu cầu "muốn đóng phim của tôi, trước tiên hãy thử năng lực diễn xuất trên giường với tôi đã".
Sina cho biết không ít các buổi thử vai ở Trung Quốc nhiều năm qua "biến tướng", trở thành các cuộc tuyển chọn tiếp viên phục vụ đại gia.
Chỉ cần nhà sản xuất, đạo diễn thuận mắt, dù có là sao vô danh cũng dễ dàng thông qua. Vai diễn sau đó sẽ được quyết định dựa trên mức độ hài lòng qua buổi "giao tiếp sâu".
Nhiều năm làm việc ngành giải trí, "biên kịch vàng" Vu Chính cũng không ngại phơi trần những tội ác làm vẩn đục showbiz Hoa ngữ. Anh cho biết từng chứng kiến một nữ diễn viên chỉ mới ngày đầu đặt chân vào đoàn đã bị đạo diễn gọi đi tiếp rượu. Vì một mực từ chối, cô bị loại khỏi đoàn phim với lý do "quá lùn".
Nữ diễn viên trẻ Tiểu Vũ quyết định bỏ nghề sau khi bị một đạo diễn gạ gẫm và cưỡng bức trên phim trường.
"Em tối nay nhất định phải đến phòng của anh. Nếu khiến anh hài lòng, ngày mai em sẽ được đổi vai. Nếu em không đến gặp anh, thì không sớm thì muộn anh cũng sẽ tìm đến em. Anh ta đã dụ dỗ tôi như thế. Khi bị tôi từ chối, gã ta liền gạt tôi đi", cựu sinh viên Học viện Điện ảnh Bắc Kinh chia sẻ.
“Đa phần những đạo diễn tôi từng gặp, dùng từ 'đọc kịch bản' về đêm, thảo luận diễn xuất để dụ dỗ các diễn viên đến phòng riêng ở khách sạn. Ngay tại phim trường, các diễn viên dần quen với việc bị gõ cửa ban đêm. Thật tồi tệ”, Dương Dung từng là nạn nhân của các đạo diễn nói.
Dương Dung không ngại tiết lộ sự thật trong giới giải trí. |
Từng có một khoảng thời gian, diễn viên người Đài Loan Lưu Lạc Nghiên gây xôn xao khi tố cáo bị 8 đạo diễn người Trung Quốc Đại lục yêu cầu cô dùng thân thể để đổi lấy vai diễn.
Lời cáo buộc một chiều không bằng chứng khiến người đẹp bị đưa vào danh sách đen, không được mời đóng phim và danh tiếng dần tụt dốc.
"Tôi không muốn trở thành một kẻ lẻo mép, nhưng cũng không thể im lặng. Cuối cùng tôi trả giá bằng cả sự nghiệp. Tiếng nói của tôi quá nhỏ bé để tác động đến dư luận và đủ để khiến một đạo diễn hay một nhà sản xuất bị trừng phạt. Showbiz là nơi cầm quyền của những gã đàn ông yêu râu xanh", Lưu Lạc Nghiên chia sẻ về ồn ào cô gọi là "nỗi nhục nhã và ê chề" của cuộc đời.
“Muốn đóng phim phải đánh đổi”
Không chỉ phía ê-kíp sản xuất chủ động “gạ gẫm” diễn viên, các cô gái trẻ vì muốn nhanh chóng thành danh cũng chấp nhận "đi đường tắt" dùng thân xác để đổi lấy cơ hội xuất hiện màn ảnh.
“Rất nhiều diễn viên, đặc biệt là những cô gái trẻ mới chập chững vào nghề sẵn sàng bán mình cho các đạo diễn để để thực hiện tham vọng của bản thân", nhà văn kiêm biên kịch Triệu Lệ Hoa chia sẻ.
Theo lời kể của nữ diễn viên hạng B giấu tên trên Tân Hoa Xã, một sao nữ bắt đầu từ con số 0 nếu muốn có một chỗ đứng trong đoàn phim, dù cho đó chỉ là vai quần chúng, hầu hết đều chấp nhận đánh đổi thể xác, “đọc kịch bản đêm”, "giao tiếp sâu" với những người đàn ông có vai vế trong ê-kíp sản xuất.
Các nữ nghệ sĩ sẵn sàng "trao thân" để tìm kiếm cơ hội đổi đời. |
“Nghe thì hơi khó tin song nếu muốn nhận được vai tốt, một nữ nghệ sĩ ít nhất phải vượt qua chặng đường 'thăng hạng cuộc đời' có tổng cộng 6 cấp. Không ít những bông hoa xinh đẹp, trẻ trung với lòng nhiệt huyết cống hiến cho bộ môn nghệ thuật thứ 7 đều hoàn toàn bị hủy hoại sau khi vượt qua 6 cấp”, sao nữ này chia sẻ.
Theo Tân Hoa Xã, với những cô gái không tiền, không quyền thế và mới bước chân vào đoàn phim, họ sẽ thực hiện giao dịch với chính những đồng nghiệp ngang hàng hoặc với người phụ trách ăn uống cho đoàn phim để nhận lấy vai quần chúng. Đây là cấp thấp nhất.
Sau khi thuận lợi gia nhập đoàn, các cô gái sẽ khôn khéo lấy lòng quản lý đoàn phim - người nắm rõ trong lòng bàn tay về 100 người của ê-kíp và có quan hệ tốt với nhiều nhân vật tên tuổi.
Theo QQ, không ít người đã đổi đời nhờ xây dựng mối quan hệ tốt với nhân vật thuộc cấp thứ 2 này. Ở cấp độ thứ ba, khi đã được nhớ mặt gọi tên, trợ lý đạo diễn sẽ là đích nhắm tiếp theo của diễn viên để được đứng đầu trong các cảnh quay.
“Sau khi hoàn thành xong 3 cấp đầu tiên, các cô gái sẽ chuyển mình sang một giai đoạn mới. Lúc này bạn không còn là kẻ đi săn, mà sẽ trở thành người bị săn. Nói đơn giản là khi đã có chút danh tiếng, bạn nghiễm nhiên lọt vào tầm ngắm của các đạo diễn. Cấp bậc này ngay cả sao hạng A cũng phải đối mặt. Giao tiếp sâu với đạo diễn là việc bắt buộc nếu bạn muốn sống dễ trong giới”, nữ diễn viên tiết lộ với Tân Hoa Xã.
Với những ngôi sao tên tuổi, để củng cố vị thế và mở rộng quan hệ, họ sẽ “giao thiệp” với cả phía nhà sản xuất và cả cổ đông nắm quyền sinh sát của dự án.
“Những người trong ê-kíp sản xuất trở thành cha nuôi của các sao nữ. Thế nên, mới có khái niệm đổi chác thân xác lấy vai diễn là luật bất thành văn, là cách 'trả ơn' đặc biệt chỉ có riêng trong giới giải trí", nữ diễn viên hạng B nói.
Tung tin bất lợi để hạ bệ đối thủ
Theo China Times, giới giải trí là một chiến trường thực thụ - nơi các nghệ sĩ đấu đá, chèn ép lẫn nhau để có được vai diễn tốt. "Điều gì có lợi cho bản thân, càng đem đến danh vọng địa vị, con người càng chà đạp để leo lên đỉnh cao, showbiz cũng không ngoại lệ", tờ báo Trung Quốc bình luận.
Một quản lý trong giới chia sẻ đa số nghệ sĩ đều có ê-kíp hỗ trợ sau lưng. Việc giở thủ đoạn để cướp vai hay đấu tố, tung tin bất lợi chính là cách để hạ bệ đối thủ và tạo cơ hội cho bản thân được tính toán chi tiết.
Trương Thiên Ái (trái) và Chu Khiết Quỳnh bị tố chèn ép đồng nghiệp. |
Năm 2016, dư luận Trung Quốc từng phanh phui việc Trương Thiên Ái chơi xấu, "hất cẳng" đàn em Kim Thần khỏi bộ phim truyền hình Vũ động càn khôn. Theo QQ, ban đầu người đẹp Thái tử phi thăng chức ký được nhắm cho vai Lăng Thanh Trúc, còn Kim Thần được giao vai Ứng Hoan Hoan.
Tuy nhiên, đến cuối cùng Thiên Ái lại nhận vai Ứng Hoan Hoan, còn Kim Thần bị loại khỏi danh sách diễn viên chính của bộ phim. Trước sức ép dư luận, người đẹp 32 tuổi giữ im lặng để tin đồn trôi vào dĩ vãng.
Hay mới đây Chu Khiết Quỳnh bị tố dùng quan hệ để giành đất diễn với Triệu Lệ Dĩnh trong Hữu phỉ. Vụ việc khiến người đẹp Hoa Thiên Cốt đăng đàn thể hiện sự bất mãn với nhà sản xuất.
Trong quá khứ, Phạm Băng Băng cũng từng bị tố dùng "quy tắc ngầm" với đạo diễn Phùng Tiểu Cương để thay thế Bạch Bá Hà diễn vai Phan Kim Liên trong Tôi không phải Phan Kim Liên.
Ngoài ra, một kiểu chơi xấu phổ biến khác trong giới chính là dùng tiền tạo ra tin đồn xấu để hạ bệ uy tín đối thủ. Đây là cách gần như nghệ sĩ nào cũng áp dụng.
Mỗi khi có thương vụ quảng cáo hay dự án tốt nào muốn chiếm, muốn đơn vị sản xuất thấy được đồng nghiệp không xứng, ê-kíp sẽ mua bài viết, "hắt nước bẩn" vào đối thủ cạnh tranh trực tiếp để giúp bản thân giành được tài nguyên.
Lý giải cho việc vì sao xoay quanh các dự án phim ảnh mới đều có lùm xùm, nhà sản xuất Sở Nguyên cho biết: "Đã là dự án tốt hơn nữa còn liên quan đến thành bại của sự nghiệp, danh tiếng của bản thân, nếu có chơi xấu lẫn nhau cũng là đương nhiên. Một trăm lời đồn chưa phải là sự thật và nếu là sự thật thì biết đâu đằng sau đó còn có một sự thật khác. Người lúc nào cũng phải sống cho bản thân mình trước tiên".
Ifeng cho biết ganh đua đến mức trở thành kẻ thù hay cố ý triệt hạ đồng nghiệp ở hậu trường là "chuyện như cơm bữa" trong showbiz Hoa ngữ. Sự kiện "ném ghế" của Triệu Vy và Châu Tấn trên trường quay Họa bì 2 là giai thoại trong giới.
Theo Sohu, năm đó khi Châu Tấn đang quay phim, Triệu Vy vì ấm ức việc bị châm chọc "danh không xứng với thực, còn dám nhận tiền cát-xê cao từ phía nhà sản xuất", đã ném ghế của bạn diễn.
Khi Châu Tấn biết được vô cùng tức giận, liền chạy đến tìm Triệu Vy "ba mặt một lời", ném lại ghế của cô. Cả hai sau đó đấu khẩu kịch liệt, không ai chịu nhường ai. Đạo diễn và các nhân viên trên phim trường phải vào kéo hai người ra hai chỗ khác để xoa dịu. Sau vụ việc, họ trở mặt từ bạn thành thù.
Châu Tấn và Triệu Vy bất hòa vì tiền cát-xê chênh lệch. |
Không chỉ vậy, nhiều ngôi sao thậm chí còn lấy việc công trả thù riêng, lợi dụng những cảnh quay đánh nhau, dưới nước hay cảnh tình cảm để trả tư thù. Chân Tử Đan từng một thời bị chỉ trích là "kẻ vô lại" vì lợi dụng cảnh đấu tay đôi đánh gãy xương Ngô Kinh. Nguyên nhân là cả hai có mâu thuẫn gay gắt và tài tử Diệp Vấn sợ đàn em lấn lướt trước ống kính.
"Văn hóa cạnh tranh không lành mạnh cũng vì thế mà luôn song hành với sự thịnh suy của giới giải trí", nhà sản xuất Sở Nguyên bình luận.
Theo Zing
Thắng kiện vụ phỉ báng, Chân Tử Đan vẫn bị khán giả ghét bỏ
Chân Tử Đan vui mừng vì thắng kiện đoàn phim đã phỉ báng danh dự mình. Tuy nhiên, chiến thắng của anh không được dư luận ủng hộ.