Google đang bị kiện vì đe dọa đuổi việc những nhân viên tiết lộ thông tin nội bộ cho báo chí.
Theo đơn kiện đang được tòa án cấp cao San Francisco (Mỹ) thụ lý giải quyết, Brian Katz, người phụ trách hoạt động thanh - kiểm tra của Google đã gửi một bức email đe dọa đuổi việc bất kỳ nhân viên nào dám cung cấp thông tin nội bộ cho giới truyền thông. Bức email nhằm đáp trả vụ rò rỉ các câu chuyên đùa nội bộ về Tổng giám đốc điều hành công ty Nest Tony Fadell và bản ghi một cuộc gặp mở giữa ông với các nhân viên Google.
"Nếu các bạn đang cân nhắc việc chia sẻ thông tin tối mật với một phóng viên hoặc bất kỳ ai ở bên ngoài, vì tình yêu với Google, xin hãy nghĩ lại. Việc đó không chỉ khiến các bạn mất việc mà còn phản bội các giá trị tạo nên bản sắc cộng đồng của chúng ta", ông Katz viết.
Việc các công ty công nghệ có thỏa thuận bí mật với các nhân viên nhằm ngăn cản họ tiết lộ thông tin nội bộ ra bên ngoài không có gì là bất thường. Tuy nhiên, nguyên đơn giấu tên trong vụ kiện Google quả quyết, ông không làm rò rỉ bất kỳ chi tiết nào cho báo chí. Nguyên đơn cho rằng, thỏa thuận giữ bí mật của Google đã vi phạm các luật lao động của bang California.
Về phía Google, đại gia công nghệ tìm kiếm khẳng định, các thỏa thuận giữ bí mật chỉ nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh của hãng.
"Chúng tôi cam kết thực hiện minh bạch và duy trì văn hóa cởi mở. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi thường xuyên chia sẻ các chi tiết mật về các sản phẩm ra mắt và những loại thông tin kinh doanh nhạy cảm, độc quyền khác. Chính sách nhân viên phải giữ bí mật được tạo ra nhằm bảo vệ những thông tin đó và không hề ngăn cản họ tiết lộ thông tin về các điều khoản, điều kiện lao động hoặc những lo ngại về môi trường làm việc", phát ngôn viên của Google nhấn mạnh.
Năm ngoái, Ủy ban các quan hệ lao động quốc gia Mỹ cũng nhận được một đơn kiện Google khác có cùng nội dung. Nguyên đơn trong vụ kiện này cũng chính là nhân viên đang khởi kiện Google lên tòa án San Francisco. Theo trang The Information, nếu nguyên đơn thắng kiện, Google có thể đối mặt với các khoản tiền phạt lên tới 3,8 tỉ USD.
Tuấn Anh (Theo CNET)