Theo Nikkei Asian Review, Google đã bắt đầu chuyển đổi một số nhà máy sản xuất điện thoại Nokia cũ ở tỉnh Bắc Ninh thành nhà máy sản xuất điện thoại Pixel từ mùa hè năm nay, nguồn tin thân cận Google cho biết.
Bắc Ninh cũng là nơi Samsung đang phát triển chuỗi cung ứng smartphone của hãng từ một thập kỷ trước. Vì thế, Google sẽ tiếp cận được với nguồn lao động dày dặn kinh nghiệm.
Việc đẩy mạnh cơ sở sản xuất tại Việt Nam cho thấy áp lực mà Google đang phải đối mặt với chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc, cùng với thuế quan do thương chiến Mỹ - Trung.
Google đang tính chuyển hầu hết các nhà máy sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Giới thạo tin cho hay, gã khổng lồ internet của Mỹ dự định sẽ chuyển hầu hết các nhà máy sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc bao gồm cả điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home.
Các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam sẽ là một phần quan trọng trong nỗ lực tăng trưởng của Google trên thị trường smartphone.
Google đặt mục tiêu xuất xưởng khoảng 8 triệu đến 10 triệu smartphone trong năm nay, gấp đôi so với năm ngoái, nguồn tin tiết lộ với Nikkei Asian Review.
Trong khi điện thoại Pixel của Google vẫn chỉ là một thương hiệu nhỏ trong ngành, thậm chí không có mặt trong Top 10 toàn cầu, Pixel đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, hãng nghiên cứu công nghệ Counterpoint cho biết.
Được ra mắt hồi tháng 4 năm nay, Google Pixel có mức giá tầm trung đã trở thành thương hiệu smartphone đứng thứ năm tại Mỹ trong quý 2/2019. Pixel vẫn giành thêm được thị phần mặc dù ngành công nghiệp smartphone toàn cầu đang chậm lại.
Việc đẩy mạnh phát triển phần cứng của Google có thể sẽ gây áp lực lên các nhà sản xuất di động hạng 2 như LG và Sony, 2 hãng đang gặp khó khăn khi ngành công nghiệp điện thoại di động suy thoái năm thứ ba liên tiếp.
Bằng cách đa dạng hóa sản xuất tại Việt Nam, Google hy vọng sẽ đảm bảo việc sản xuất bền vũng dành cho Pixel, smartphone giúp Google giới thiệu những ưu việt của hệ điều hành Android. Hệ điều hành này hiện đang đối mặt với thách thức đến từ Huawei của Trung Quốc, dù Android vẫn đang được 80% smartphone trên thế giới tin dùng. Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, sau Samsung, đã tiết lộ hệ điều hành của riêng mình mang tên Harmony OS hồi tháng 8 vừa qua.
Năm 2018, Google đã xuất xưởng khoảng 4,7 triệu smartphone, chỉ chiếm 0,3% thị phần toàn cầu, IDC cho biết. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2019, hãng này đã xuất xưởng 4,1 triệu chiếc. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này nhờ điện thoại Pixel 3A có giá mềm 399 USD.
Hiện Mỹ là thị trường smartphone lớn nhất của Google, chiếm tới 70% doanh số năm 2018 của hãng. Đứng thứ hai là Nhật Bản, thông tin từ báo cáo của IDC. Thị trường Mỹ cũng chiếm tới 64% thị phần loa thông minh của Google.
Theo kế hoạch hiện tại, Google sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay.
Đối với loa thông minh, một số dây chuyền sản xuất thiết bị này có thể được chuyển đến Thái Lan. Nhưng các cơ sở sản xuất phần cứng ban đầu của Google vẫn sẽ được giữ lại tại Trung Quốc, nguồn thạo tin cho biết thêm.
Trước đó, HP và Dell đã chuyển sản xuất máy chủ của họ ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Washington, đồng thời chuyển một số dây chuyền sản xuất máy tính xách tay sang Đài Loan và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Philippines.
Apple cũng đã bắt đầu đánh giá cách thức để có thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, mặc dù họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc với hơn 90% phần cứng được sản xuất tại nước này.
Hải Nguyên (theo Nikkei Asian Review)
Tháo chạy khỏi Trung Quốc, Foxconn muốn bán nhà máy 8,8 tỷ USD
Foxconn đang xem xét việc bán nhà máy sản xuất màn hình LCD trị giá 8,8 tỷ USD tại Trung Quốc, do nhu cầu về màn hình tinh thể lỏng suy giảm và thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng.