Google đang có những động thái gây ngỡ ngàng như khôi phục lại mảng phần cứng, "vợt" lại cựu Chủ tịch của Motorola, người vừa bỏ Lenovo hồi tháng trước.

Với những nước cờ này, giới phân tích phán đoán gã khổng lồ tìm kiếm đang muốn gây dựng một đế chế phần cứng - phần mềm quyện chặt giống như đối thủ Apple.

{keywords}
Google đang muốn trở thành Apple thứ 2?
Tất cả mở đầu bằng việc Rick Osterloh bất ngờ quay trở về Google. Vị cựu Chủ tịch của Motorola đã được Google mời về phụ trách một bộ phận mới thành lập, ngay sau khi ông này từ chức ở Lenovo. Một nguồn tin của Re/code tiết lộ Osterloh có trách nhiệm hợp nhất các dự án phần cứng riêng rẽ mà Google đang theo đuổi về một mối.

Đại diện của Google cũng xác nhận sự hiện diện của Osterloh tại Google trên cương vị Phó Chủ tịch cấp cao, dẫn dắt mảng "sản phẩm phần cứng" mới thành lập và báo cáo trực tiếp lên Tổng giám đốc Sundar Pichai.

Suốt nhiều năm nay, Google vẫn trầy trật tìm cách gây dựng chỗ đứng trên thị trường phần cứng. Hãng triển khai nhiều sáng kiến khác nhau, tích cực tìm kiếm đối tác và đã có những thời điểm, phần cứng gắn mác Google được đánh giá cao trên thị trường. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn vô cùng khiêm tốn nếu đặt cạnh Apple, hay thậm chí là những đối tác lớn của Android như Samsung, LG...

Khi một trong những giám đốc phần cứng của hãng, bà Regina Dugan thôi việc để chuyển sang Facebook, giới thạo tin đã kháo nhau rằng Google đang lên kế hoạch cho một đợt đại cải tổ mảng phần cứng. Cuối cùng thì điều đó cũng đến. Giờ đây, Osterloh sẽ giám sát mọi thiết bị Nexus của Google. Ông cũng phụ trách phát triển một họ sản phẩm được gọi là "phòng sinh hoạt" - thể hiện rõ mối ưu tiên của gã khổng lồ tìm kiếm trong việc thống trị không gian gia đình này.

Bộ phận phần cứng mới bao gồm:

Nexus: Bao gồm các smartphone Android đầu bảng, các tablet Nexus cũng như quan hệ với các đối tác lắp ráp phần cứng (OEM). Osterloh sẽ làm việc chặt chẽ với Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Android là Hiroshi Lockheimer, người từ nay sẽ dồn sức nhiều hơn cho việc phát triển nền tảng và phần mềm.

Chromecast: Ổ USB xem TV trực tuyến của Google - cũng là thiết bị phần cứng bán chạy nhất từ trước đến nay của hãng tại Mỹ.

Phần cứng cá nhân: Bao gồm laptop Chromebook và máy tính Pixel C (cài Android).

OnHub: Router gia đình không dây từng trực thuộc công ty con Access trong Tập đoàn Alphabet. Giờ đây, nó sẽ trực tiếp chịu sự điều hành của Osterloh.

ATAP: Google có một phòng thí nghiệm phần cứng đặc biệt và phòng này vừa được chia tách. Những gì không thuộc thực tế ảo (như điện thoại dạng module Project Ara) sẽ báo cáo trực tiếp lên Osterloh.

Glass: Dự án "vô gia cư" Google Glass cuối cùng cũng tìm được mái nhà. Google hiện đang phát triển phiên bản thứ 2 của cặp kính thông minh này, và quá trình phát triển sẽ do Osterloh chỉ đạo.

{keywords}
Osterloh, người đứng đầu mảng phần cứng mới thành lập tại Google.

Từ phân tích ở trên có thể thấy, so với trước đây, vai trò mới của Osterloh tại Google được mở rộng hơn rất nhiều. Ông từng có những bước thăng tiến rất nhanh tại Motorola thời Google còn sở hữu thương hiệu điện thoại này (từ trưởng nhóm quản lý sản phẩm lên Chủ tịch kinh doanh). Khi Google bán Motorola cho Lenovo, Osterloh vẫn là người đứng đầu tại Motorola. Tuy vậy, khi Lenovo tiến hành sắp xếp lại Motorola, Osterloh đã quyết định quay về bến cũ.

Với việc tập hợp tất cả các dự án phần cứng về một mối, các đối tác phần cứng và chip của Google sẽ cảm thấy dễ thở hơn nhiều, bởi họ không còn phải làm việc với quá nhiều đầu mối khác nhau nữa. Nó cũng khiến cho các nỗ lực phần cứng của hãng trở nên nhất quán, thông suốt và tương thích với nhau cao hơn. Rõ ràng, phần cứng không còn là một cuộc dạo chơi thuần túy trong mắt Google nữa. Hãng đang nhắm đến những tham vọng cao hơn, nhất là khi Apple bắt đầu có dấu hiệu chững lại về khả năng sáng tạo.

Trọng Cầm