Grab sẽ đối thoại trực tiếp với tài xế về chính sách thu nhập mới?
Grab Việt Nam sẽ đối thoại trực tiếp với tài xế. (Ảnh: Duy Vũ)

Sau cuộc đình công của đông đảo các tài xế Grab hôm 7/12 ở cả Hà Nội và TP.HCM, nhiều tài xế Grab tiếp tục tắt ứng dụng, tập trung tại một số tuyến đường gần khu vực trụ sở của Grab tại Hà Nội để phản ứng về mức khấu trừ mới trên mỗi chuyến xe.

Mức khấu trừ mới tăng từ 20% lên 27,23% đối với các chuyến xe GrabBike do Grab phải thực hiện khai và thu hộ thuế giá trị gia tăng ở mức 10% thay vì 3% như trước đây theo quy định của Nghị định 126. Các tài xế cho biết điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ, đặc biệt là những đối tác xe hai bánh khi giá cước và thu nhập của đối tượng này vốn đã ở mức rất thấp.

Theo nguồn tin của ICTnews, sáng 8/12, hàng trăm tài xế GrabBike tiếp tục tập trung tại trụ sở Grab ở Hà Nội. Các tài xế đã cử một nhóm đại diện vào làm việc với đại diện Grab tại trụ sở Hà Nội. Được biết, buổi làm việc có sự giám sát của cơ quan chức năng địa phương.

Một số tài xế bày tỏ ý kiến về việc doanh nghiệp này áp dụng mức khấu trừ mới do thuế VAT tăng lên 10%. Theo đó, đa số ý kiến cho rằng thuế VAT được áp dụng cho người tiêu dùng cuối nên việc áp mức thuế này để thu các đối tác là không công bằng.

Tài xế L.T.Nam cho biết: “Không chấp nhận mức khấu trừ (GrabBike – PV ) tăng từ 20 lên 27,2% và yêu cầu Grab định danh tài xế là đối tác hay khách hàng?” Một tài xế khác cũng đặt câu hỏi “Thuế VAT là do người dùng cuối chi trả, tại sao tài xế phải chi".

Trên nhiều diễn đàn, các nhóm tài xế vẫn tiếp tục kêu gọi tắt ứng dụng để phản đối chính sách mới. Một nguồn tin của ICTnews cho hay, sẽ có các cuộc đối thoại trực tiếp của lãnh đạo Grab Việt Nam với đại diện đối tác tài xế trong vài ngày tới để giải đáp và minh bạch chính sách thu mới.

Grab hiện là ứng dụng gọi xe đầu tiên công khai thay đổi mức thu mới kể từ khi Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12. Dù mức chiết khấu (phí sử dụng ứng dụng không tăng) nhưng do khấu trừ thuế trên tổng doanh thu cuốc xe tăng kéo theo mức khấu trừ trên mỗi cuốc xe cũng tăng lên khá cao. Điều này gây ra phản ứng tiêu cực ở phía các đối tác tài xế trong vài ngày gần đây. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình của những tài xế GrabBike ở cả hai miền Nam, Bắc trong ngày 7/12.

Theo tính toán của anh L.D Hải, một tài xế chạy toàn dịch vụ Grab hai bánh thì thu nhập của tài xế có thể giảm tới gần 1/3 nếu khấu trừ theo mức mới. Điều này gây ra bất bình với các tài xế đang hoạt động tích cực trên ứng dụng.

Phản hồi với báo chí truyền thông về vụ việc vừa qua, đại diện Grab cũng cho biết đã có trình bày cụ thể về tác động của Nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị. Tuy nhiên, tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này”.

Doanh nghiệp cũng đồng thời cho biết, "Grab đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan”.

Ngoài Grab, một nền tảng khác là ứng dụng giao nhận đồ ăn Baemin đã tăng mức khấu trừ trên các chuyến xe giao hàng. Theo đó, từ 5/12, với mỗi đơn hàng thành công, Beamin thực hiện khấu trừ thuế VAT 10% trên toàn bộ doanh thu vận chuyển. Phần doanh thu vận chuyển còn lại (sau khi đã được trừ VAT) sẽ được Baemin thu chiết khấu với mức thu 20% và đối tác 80%.

Phía ứng dụng này cho rằng, về cơ bản mức phân chia này không thay đổi so với trước đó. Tuy nhiên, thu nhập của đối tác tài xế sẽ giảm do doanh thu vận chuyển phải chịu mức khấu trừ thuế 10%. Cụ thể, mức khấu trừ trên mỗi đơn hàng của tài xế sẽ tăng lên 27.273% thay vì 20% như trước đây.

Duy Vũ

Tại sao Grab tăng giá, Be và Gojek chưa tăng?

Tại sao Grab tăng giá, Be và Gojek chưa tăng?

Do ảnh hưởng bởi quy định thuế VAT mới, Grab tăng giá dịch vụ. Trong khi đó, Be và Gojek chưa có các động thái tương tự.