- Sau một thời gian âm thầm tham gia vào thị trường taxi tại Việt Nam, GrabTaxi đã bắt đầu có những hoạt động bề nổi để tạo dấu ấn.

Cụ thể như việc tổ chức các sự kiện tại Hà Nội,  Đà Nẵng và T.P. HCM nhằm vận động các tài xế nâng cao nghiệp vụ, tận tâm và chuyên nghiệp trong phục vụ hành khách, xây dựng cộng đồng lái xe văn minh, thân thiện và đoàn kết, hình thành văn hoá giao thông thông minh nhờ sử dụng công nghệ hiện đại.

{keywords}
Ứng dụng bắt xe taxi GrabTaxi bắt đầu được phổ biến tại Việt Nam.

GrabTaxi hiện là ứng dụng khá phổ biến để đặt xe taxi qua smartphone, kết nối hành khách và tài xế, hỗ trợ giúp hành khách bắt taxi trong phạm vi gần nhất một cách thuận tiện. Khi bật ứng dụng, GrabTaxi sẽ tự động xác định vị trí hiện tại của hành khách thông qua chức năng định vị GPS trên smartphone và hiển thị số lượng taxi đang hoạt động trong vòng bán kính 5km. Hành khách chọn điểm đến và gửi yêu cầu đặt xe. Các tài xế sẽ phản hồi lại yêu cầu và người gần nhất sẽ nhận được yêu cầu đặt xe. GrabTaxi xuất phát từ Malaysia, tiếp đó mở rộng sang Philippines, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Về mặt lợi ích, có thể thấy GrabTaxi giảm được việc lái xe taxi phải phóng nhanh vượt ẩu để tranh khách, giúp lái xe tìm được nhiều khách hơn trong phạm vi gần, giảm chi phí nhiên liệu khi xe chạy không có khách, kéo theo các tác động tới việc giảm ách tắc giao thông, tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Đồng thời, khách gọi taxi qua GrabTaxi cũng giảm được thời gian chờ đón taxi tới hơn 80% do gọi được xe taxi đang ở gần mình nhất.

Hầu hết các tài xế đang lái cho các hãng taxi tại Việt Nam và tham gia thêm GrabTaxi đều cho biết có sự cải thiện thu nhập rõ rệt, lượng khách thậm chí có thể tăng hơn gấp đôi nếu lái xe chăm chỉ.

Tài xế thích, hãng taxi "lăn tăn"

Tuy nhiên cũng có một số quan điểm từ phía các hãng taxi không muốn hợp tác với GrabTaxi cho rằng nếu tài xế và hành khách kết nối với nhau qua GrabTaxi ngày càng nhiều, thương hiệu hãng taxi của họ và số điện thoại tổng đài sẽ bị mai một dần, và đó là điều họ hoàn toàn không mong muốn.

Ngoài chính sách của từng hãng taxi, việc người lái xe có là chủ sở hữu của chiếc xe hay chỉ góp vốn một phần với hãng taxi cũng là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến việc có tham gia vào hệ thống dịch vụ của GrabTaxi hay không. Nếu lái xe sở hữu toàn bộ xe, mối quan hệ giữa lái xe và hãng về cơ bản chỉ dựa trên việc mua sóng bộ đàm để nhận khách từ tổng đài của hãng taxi, với mức giá khoảng trên dưới 2 triệu/tháng. Ngoài ra là quy chuẩn về đồng hồ cước, bảo dưỡng xe... Nếu thấy việc mua sóng bộ đàm của hãng không hiệu quả trong việc đón khách, lái xe có thể chủ động chuyển sang chạy cho hãng taxi khác, cũng như hoàn toàn chủ động tham gia GrabTaxi được.

Tuy nhiên, nếu tài xế chỉ góp một phần vốn nhỏ trong tài sản xe, hoặc chỉ đóng tiền thế chấp rồi nhận xe của hãng giao để chạy thì sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của hãng trong việc có hợp tác với GrabTaxi hay không. Do đó, các hãng sẽ phải đứng trước quyết định là hợp tác với các hình thức gọi xe công nghệ mới hay tự phát triển ứng dụng dành cho dịch vụ của mình. Phần lớn hãng đã chọn việc hợp tác để cùng phát triển, chia nhau miếng bánh thị phần rộng lớn này.

Từ góc độ hành khách sử dụng dịch vụ, ngoài việc không phải chờ xe lâu, yếu tố không phải lo tài xế phóng nhanh vượt ẩu để tranh khách, cạnh tranh xung đột giữa tài xế các hãng cũng sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý khách hàng. Một ưu điêm khác của GrabTaxi, là hành khách còn có quyền "chấm điểm" chất lượng dịch vụ của từng chuyến xe, cũng như thái độ tài xế để phản hồi tới hãng, và đánh giá này tác động trực tiếp tới nhu nhập của tài xế.

Từ góc độ người lái xe taxi, việc biết cách tận dụng công nghệ hiện đại trong công việc sẽ góp phần gia tăng thu nhập của họ, vừa góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và tận tâm trong dịch vụ. Các tài xế sẽ không phải cố kiếm thêm bằng việc "chặt chém" khách như đi lòng vòng, "đá" đồng hồ cước..., mà thay vào đó là thái độ phục vụ chuyên nghiệp để nâng cao thu nhập một cách chính đáng.

  • M.H