Chiều tối ngày 24/8, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã diễn ra một sự kiện vô cùng đặc biệt: Lần đầu tiên, cùng một lúc, hai “ngôi sao” toán học là GS Cédric Villani và GS Ngô Bảo Châu cùng “hợp sức để “chuyển lửa” cho học sinh sinh viên Việt Nam và những người yêu Toán học.
Hai giáo sư có rất nhiều điểm chung: cả hai cùng nhận giải thưởng Fields toán học (tương đương với giải thưởng Nobel) vào năm 2010, cả hai đều đóng vai trò tích cực trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt ở Pháp và Việt Nam. Các Giáo sư đã chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về phương pháp giáo dục, xuất phát từ những cuộc phiêu lưu toán học của mình. GS Cédric Villani còn tiết lộ sau khi nhận được giải thưởng Fields, ông được truyền thông đặt cho biệt danh “Lady Gaga của Toán học”, xuất phát từ một bức ảnh. Giáo sư Dương Nguyên Vũ, Giám đốc Viện John Von Neumann, Đại học Quốc Gia TP HCM, một nhân vật nổi tiếng và được nhiều người biết đến trong giới toán học, nghiên cứu và giảng dạy là người dẫn chương trình tọa đàm này. Cả ba giáo sư đều là những nhân vật xuất chúng, độc đáo, những người có khả năng mở ra những lĩnh vực mới phát triển tư duy, nghiên cứu và hành động. Sự kiễn đã diễn ra với sự góp mặt của đông đảo của các bạn trẻ cùng những người lớn tuổi, cùng rất nhiều những người làm toán nổi tiếng của Việt Nam. Lần đầu tiên, khán giả ngồi kín lối đi trong hội trường, và sân khấu cũng được trưng dụng để làm chỗ ngồi cho người đến dự. Ngọc Trâm, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Văn hóa Hà Nội chia sẻ: "Khi còn ở tiểu học em là học sinh giỏi toán. Nhưng 4 năm học THCS, rồi tới 3 năm THPT, em trở nên không biết gì về toán. 2 lần thi thử tốt nghiệp em đều bị điểm 0 môn toán. Để em vượt được qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, bố mẹ đã phải mời 3 gia sư về dạy, trong đó 2 gia sư phụ đạo môn đại số, 1 gia sư kèm môn hình học. Em thi vào đại học với 3 môn văn – sử - địa. Em tự đặt ra câu hỏi vì sao từ một học sinh giỏi toán em lại trở nên kém cỏi như vậy. và câu trả lời của em là với môn văn, nếu bỏ qua một thời gian em vẫn học được. Còn môn toán thì không thể". "Các GS cho biết phải cứu vãn điều này như thế nào?" GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng chuyển từ cấp 1 lên cấp 2 là quá trình khó khăn. Bởi vì môn toán thay đổi, không chỉ là các con số đơn thuần mà chuyển sang dạng thức mới. Ở tiểu học, môn toán là các con số 1, 2, 3, 4 thực tiễn hàng ngày. Trong khi đó ở cấp 2 bắt đầu các khái niệm trừu tượng, học về góc, về tam giác. Và như vậy, thật sự các em bước vào lĩnh vực mình hoàn toàn không biết, đi vào những vấn đề trừu tượng hơn. Bản thân tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian để hiểu như thế nào là góc và làm các bài toán. Đây chính là lúc các bạn mất đi quan hệ thân thiết với toán. Bởi vì bây giờ chúng ta phải làm việc với các khái niệm trừu tượng rồi. Tôi không có giải pháp cung cấp cho bạn. Nhưng có thể chắc chắn hai điều. Thứ nhất là nếu luyện tập thì sẽ quen. Và thứ hai, bản thân những người làm toán chuyên nghiệp như tôi cũng phải luyện và làm quen với những khái niệm vô cùng trừu tượng. Đôi khi suy nghĩ về một điều, tôi cũng phải thay khái niệm trừu tượng bằng những con số để bớt trừu tượng đi, như vậy sẽ dễ hình dung hơn”. GS Cédric Villani thì trả lời câu hỏi này như sau: "Tôi thấy rằng một môn học có rất nhiều giai đoạn khác nhau trong một quá trình đào tạo. Chúng ta có thể rất giỏi ở giai doạn 1, nhưng đến giai đoạn 2 lại chẳng hiểu gì, và ngược lại. Ví dụ từ chính bản thân tôi, khi tôi 17, 18 tuổi tôi rất giỏi về đại số, thường xuyên đứng đầu lớp ở môn học này. Nhưng vài năm sau tôi không hiểu gì đại số nữa. Bây giờ, nếu anh Châu mà giải thích cho tôi những gì anh đang làm, anh Châu sẽ phải dạy kèm cho tôi 3, 4 năm trước đã. Tôi ví dụ như vậy để thấy rằng hố ngăn cách giữa tôi với đại số là rất lớn. Điều quan trọng nhất là chúng ta cố gắng làm giỏi những điều mà chúng ta có hứng thú". Em Vũ Minh Hùng, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đặng Trần Côn băn khoăn: “Trước đây cháu rất giỏi môn Toán, đứng đầu lớp. Nhưng thời gian gần đây cháu học dốt đi, chỉ còn đứng thứ 4, thứ 5 và thấy sợ Toán. Các giáo sư có thể giải thích và bảo cháu phải làm thế nào không ạ?” Cậu bé này đã được mời lên ngồi cùng 2 vị giáo sư. Và GS Cédric Villani hóm hỉnh “Cháu vẫn còn thời gian để thay đổi mọi thứ. Cháu đừng băn khoăn về vấn đề đó nữa mà hãy thư giãn đi”. GS Ngô Bảo Châu động viên: “Không bao giờ là quá muộn để học mọi thứ”. Trước câu hỏi của một sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: “Làm thế nào để truyền lửa cho học sinh, để các em yêu môn Toán?” GS Ngô Bảo Châu khảng định: “Để truyền được lửa, được nhiệt huyết cho các em với môn Toán, điều chắc chắn là trước hết chúng ta phải có tình yêu đó. Thường có sai lầm khi quan niệm rằng để học sinh thích học toán thì toán phải dễ. Chúng ta hãy làm ngược lại, đưa ra những vấn đề khó hơn một chút để học sinh cố gắng. Khi giải được bài toán khó, các em sẽ hài lòng, và sẽ làm tốt hơn. Nghệ thuật của người giáo viên là đưa ra được những bài toán khó hơn một chút”. GS Cédric Villani cũng đồng tình: “Người giáo viên trước hết phải có đam mê. Đối với một nhà giáo, khả năng và động lực quan trọng hơn kỹ năng và kiến thức của họ. Các nhà giáo cũng phải có cảm giác được khả năng của học sinh tới đâu, để thúc đẩy các em cố gắng. Sự tự hào luôn đến khi các em giải quyết được vấn đề”.
“Các ông có thể cho chúng tôi phép màu để thành công?” – Với câu hỏi này, GS Cédric Villani cho biết “Tôi và GS Châu sẽ cho bạn công thức bí mật. Tôi nghĩ rằng muốn giỏi, thành công ở lĩnh vực nào đó phải thật yêu thích lĩnh vực đó. Khi nói đến đào tạo, chúng ta phải luôn giữ lửa trong trái tim cũng như dành đầy đủ khả năng cho môn học đó. Chúng ta phải luôn vận động. Khi đã giỏi lĩnh vực này, hãy chuyển sang lĩnh vực khác để không nhàm chán, luôn có bước tiến, không hài lòng với những gì đã làm được”. Còn GS Ngô Bảo Châu khẳng định: “Mình phải chân thành, yêu quý điều mình làm thì mới thành công được. Những gì tốt đẹp không dễ dàng đạt được mà phải kiên trì. Nếu không quan tâm, dốc sức sẽ không có kết quả. Điều thứ hai, khi chúng ta không tiến lên nữa, chúng ta phải lựa chọn. Không được đứng trước ngã ba đường mà không biết mình phải theo ngả nào. Toán học cũng vậy, và có nguyên tắc cơ bản nhưng hiệu quả: Cái gì đẹp thì nên theo. Có thể trong cuộc sống, nguyên tắc đó không phải lúc nào cũng áp dụng được. Nhưng nếu chúng ta quan tâm, dành tâm huyết thì mong muốn của chúng ta sẽ đạt được”.
“Tại sao các ông lại yêu Toán?”. GS Cédric Villani đã khiến cả hội trường bật cười tán thưởng với câu trả lời: “Đã yêu là không thể giải đáp!”. “Khi nói chuyện về đặc thù của môn toán, tôi thường nói Toán là môn gần gũi nhất. Bởi vì lời giải một bài toán chỉ có trong đầu chúng ta. Chúng ta có thể tham khảo người khác, nhưng chỉ tự mình tìm ra lời giải. Không phụ thuộc vào thiên nhiên hay các yếu tố xung quanh mà chỉ phụ thuộc tư duy của chúng ta. Khi đã làm chủ được, chúng ta sẽ rất vui và tự hào. Ở trường học, nhiều người thấy Toán là môn xa vời nhất, nhưng với tôi toán gần gũi nhất. Một đề toán có thể liên quan tới vật dụng hàng ngày, hay do các bạn tự nghĩ ra, lời giải kiểm chứng được trong thực tế. Trong khi đó, với các môn khoa học khác, chúng ta phải tin tưởng vào giải pháp của người khác hơn là vào bản thân”.
Và đây là lý do yêu Toán của GS Ngô Bảo Châu: “Khi chúng ta học Toán và nghiên cứu Toán, chúng ta như ở trong thế giới riêng. Và chúng ta bắt đầu tạo ra mọi thứ. Điều này tương tự như khi chúng ta viết một tác phẩm văn học, chúng ta tạo ra vấn đề, tạo ra các nhân vật. Nhưng sau đó các nhân vật lại khiến chúng ta cảm thấy ngạc nhiên, không còn hiểu nổi nữa. Chính bản thân chúng ta ngạc nhiên bởi những thứ chúng ta sáng tạo ra. Đó chính là thời điểm mà chúng ta thấy bừng sáng. Tôi có hình ảnh ẩn dụ như thế này: Khi ở trong phòng tối và đang sờ những đồ vật xung quanh, đột nhiên có luồng sánh lóe lên, chúng ta nhìn thấy tất cả. Nhưng đó cũng là thời điểm chúng ta thấy buồn vì mọi thứ đã sáng rõ. Và như thế, chúng không còn thuộc về chúng ta nữa, chúng ta phải công bố với người khác và rời xa thế giới riêng đó của mình”. |