Người vừa nằm xuống ấy là GSTS KH Lê Xuân Lan, người mới bén duyên cùng ngành Thông tin Truyền thông nước Việt từng với cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ TTTT.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam vô cùng thương tiếc báo tin: GSTSKH Lê Xuân Lan sinh năm 1956, Ủy viên BCH Hội truyền thông số Viêt Nam, Nguyên Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ Thông tin- Truyền thông, Nguyên Viện Trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban lịch sử Truyền thông Bộ truyền thông và Thông tin, Nguyên GĐ Sở Thông tin Truyền thông Phú Thọ, nguyên Trưởng Ban DA các Khu công nghiệp Phú Thọ, Nguyên Phó GĐ Sở Kế hoạch Đầu tư Phú Thọ. Do mắc bệnh hiểm nghèo đã từ trần hồi 21 giờ 41 phút ngày 12-8-2017. Lễ viếng và truy điệu vào hồi 9h30 phút ngày 14-8-2017 tại Nhà tang lễ BV 108 số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội. An táng tại nghĩa trang dòng họ phường Gia Cẩm Việt Trì Phú Thọ. |
… Năm tháng vùn vụt. Nhưng vẫn thấp thoáng một chiều thật muộn ở bến đò Trung Hà một cậu lính má còn măng tơ đỏ au vai khoác cái lồng tre trong đựng mươi con gà nhép mới rời ổ tất tả nhao xuống dốc sông cho kịp chuyến đò cuối. Quê cậu lính ở Minh Nông Việt Trì. Cậu được phép qua nhà mấy bữa. Quà là mấy chú nhép bầm cho mang về đơn vị để góp phần cho phong trào tăng gia. Cậu phải tất tả một lộ trình cuốc bộ hơn năm chục cây số để kịp về đơn vị đúng hạn. Qua đò Trung Hà, cậu còn phải cuốc bộ hơn ba chục cây số để về Trường lái xe quân đội ở ngoại ô Sơn Tây. Cậu lính là giáo viên lý thuyết trường đào tạo cấp tốc lái xe quân đội lần lượt bổ sung các đợt lính lái cho chiến trường…
Rồi những trưa như đổ lửa. Thi thoảng anh em đơn vị 675 của Tổng Cục kỹ thuật đóng quân ở gần thị trấn Văn Điển vẫn bắt gặp một anh lính trần trùng trục chui vào gầm cái xe Giải Phóng. Không phải để ngủ hay trốn nắng mà hắn ôn luyện Toán và tiếng Nga. Quyết tâm trở lại một Trường ĐH luôn thôi thúc hắn. Và rồi cậu lính đã toại nguyện. Cánh cổng trường Đại học Giao thông vận tải đã hé mở để chào đón anh sinh viên nguyên là lính Lê Xuân Lan.
GSTS KH Lê Xuân Lan |
Rồi qua nhanh những ngày sinh viên gian nan. Đọng lại một thời gian khó bao cấp ấy là người viết bài này đã rất nhiều lần cùng anh sinh viên ấy đi bán báo. Là nhận báo ở các tòa soạn để đi rải ở các sạp báo bán lẻ hưởng chút hoa hồng. Những ngày đông rét xám mặt hay những trưa chang chang nắng hai thằng đạp xe ra các ngoại ô rải báo. Không ít lần đang phăm phăm hắn phanh kít lại khi gặp một vòi nước công cộng. Chẳng phải rửa mặt để chống cơn buồn ngủ mà vừa quấy quá lau mặt vừa nốc no nước máy cho đã cơn khát bởi tiền đâu mà ghé hàng giải khát…
Tốt nghiệp hạng ưu, Lê Xuân Lan được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy. Cái tật ham học ham nghiên cứu đã thôi thúc anh cán bộ giảng dạy Lê Xuân Lan trở thành nghiên cứu sinh ở Học Viện Cát Lâm ở Trung Quốc.
Một đêm. Lê Xuân Lan ghé qua nhà tôi. Lan không đến một mình. Cô con gái bé bỏng mới hơn ba tuổi như cái rẻ khoai oặt oẹo trên vai bố. Cú đánh của số phận đã giáng xuống gia đình bé nhỏ của Lan khiến mọi thứ vỡ bung. Quyết không để nhỡ khóa học, Lan quyết định đưa con gái đi cùng. Rồi cũng qua những ngày gian nan tất tả cảnh gà trống chăm con của anh nghiên cứu sinh Lê Xuân Lan vừa nuôi con vừa phải giành bằng được học vị Giáo sư Tiến sĩ ngành Điều khiển học.
… Lần ấy được ngồi với cựu đại sứ Đặng Nghiêm Hoành ( vị đại sứ từng có nhiệm kỳ ở CHND Trung Hoa có cô con gái út nổi danh của nhà Đài Truyền hình TƯ là Đặng Diễm Quỳnh ) Đại sứ từng quen biết anh nghiên cứu sinh Lê Xuân Lan thời gian Lan tu nghiệp ở học Viện nghiên cứu Cát Lâm. Ấn tượng về một nghiên cứu sinh chăm chỉ thông minh lại tích cực tham gia công việc của cộng đồng, của sứ quán đã khiến vị cựu ĐS trong câu chuyện đã có nhiều nhận xét thiện cảm về GSTS Lê Xuân Lan.
Tôi không rõ cựu ĐS Đặng Nghiêm Hoành hay ai đó đã thông tin? Nhưng ông Lại Văn Cử, khi ấy là đương là Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ đã có cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh nhà Phú Thọ. (Phú Thọ là quê của ông Lại Văn Cử) Cuộc gặp ấy như một sự gửi gắm rằng tỉnh nhà mà kéo được cái anh GSTS này về thì rất có lợi cho phong trào! GSTS Lê Xuân Lan cũng thấy xuôi xuôi vì cuộc sống dường như được rẽ ngoạt sang một hướng mới. Lại nữa khi ấy đương có nguyện vọng hợp thức hóa gia đình.
Người tính không bằng cơ chế và tính cách tính? Phải vậy chăng mà một thời gian dài hậm hụi với các chức tước những là Trưởng ban Quản lý các Khu CN, Phó GĐ Sở KHĐT… GSTS Lê Xuân Lan vẫn chưa nhỉnh lẫn nhích lên được vị trí quy hoạch nào cả? Mà vị GS này chỉ thấy với thời gian chuyên môn cùng niềm mê say nghiên cứu khoa học rừng rực từ hồi trẻ cứ chuội, nguội đi dần… Niềm vui đích thực của Lan có lẽ là những ca hướng dẫn nghiên cứu khoa học học vị tiến sĩ ở Trường Đại học giao thông mà anh vốn là một giáo viên uy tín.
Đương trong thời gian xuôn xẻ với cương vị Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Phú Thọ, GSTS Lê Xuân Lan quyết định về làm việc tại Viện nghiên cứu chiến lược của ngành TTTT. Đó là đầu năm 2008.
Phải có chút chi đó như ma lực thì GSTS Lê Xuân Lan mới bị hút vào lãnh vực công nghệ thông tin ở cái độ tuổi tác, sức khỏe không còn xung, vượng nữa? Một điều đơn giản có thể dễ nhận ra là muốn nhàn thân, vừa có tiếng lẫn có… miếng là cứ tuần tự việc hướng dẫn luận án TS ( mỗi năm GS Lan đảm nhận hơn 10 luận án như thế) Hay GS chợt ngộ, chợt nhận ra sự tiếp nối kế thừa, bổ sung, sự qua lại mật thiết ở hai lĩnh vực chuyện ngành điều khiển học và công nghệ thông tin?
Một lần theo mấy đồng nghiệp ghé Viện nhân việc vui GS Viện trưởng Lê Xuân Lan được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 và 5 cán bộ khác của Viện được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thú thực tôi có cảm giác như vịt nghe sấm khi nghe ông GSTS Viện trưởng Lê Xuân Lan bộc bạch với mấy ký giả về cái khái niệm lạ tai OTT mà Viện đang tập trung đẩy mạnh nghiên cứu lẫn ứng dụng. Đại để OTT (Over-the-top) là những dịch vụ gia tăng trên nền mạng Internet do các nhà cung cấp dịch vụ nội dung thực hiện. Rằng hay thì thật là hay nhưng đâu đó xuất hiện OTT chạy trên hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông mà không đóng phí, làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ viễn thông, chưa kể nguy cơ mất an toàn an ninh.
Vậy nên cần sự góp sức của các nhà khoa học của Viện trong việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý phù hợp theo hướng hoàn toàn làm chủ được OTT để đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ mới của người dân vừa không ảnh hưởng tới lợi ích của các nhà mạng, đảm bảo được an toàn an ninh thông tin quốc gia. Rồi nữa các lĩnh vực cốt tử như báo chí xuất bản, viễn thông, công nghệ thông tin, bưu chính… đang cần cứu cánh của OTT thế nào vv… và vv… Đại loại như vậy tuy mới chỉ láng máng của kẻ ngoài cuộc nhưng bắt gặp ánh mắt và cung cách như kiểu lên đồng của ông Viện trưởng có cảm giác mình đang chứng kiến và bắt gặp một người đang hạnh phúc!
Liệu có muộn không? Thành đạt hay hanh thông, chả biết? Nhưng với GSTS Lê Xuân Lan, hình như những năm cuối cuộc đời đã được làm những công việc hạp với mình? Mà với ai đó, nhất là với một nhà khoa học, được bập được nhập và làm chủ thứ công việc mà mình yêu thích có lẽ là niềm vui và là thứ hạnh phúc đích thực?
Xuân Ba