Anh Phùng Mỹ Trung – Nhà sinh vật học đang sinh sống Đồng Nai đã dành cả tuổi trẻ nghiên cứu về đa dạng sinh học tại Việt Nam. Anh cất công xây dựng cả những chương trình giáo dục trẻ nhỏ tình yêu động vật.

Xung quanh Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) đứa trẻ nào cũng biết tới “bác Trung rùa” bởi anh là tác giả của căn nhà Hero House. Anh Trung lại bị nhiều lâm tặc ghét vì anh chống lại việc mua bán động vật hoang dã.

Anh Trung cho biết, bản thân mình không thể chống lại các hoạt động mua bán động vật hoang dã, anh làm theo cách của riêng mình là gieo vào lòng những đứa trẻ tình yêu với động vật, thực vật, giáo dục trẻ tình yêu với thiên nhiên và ý nghĩa của bảo tồn đa dạng sinh học.

W-hoat-dong-moi-truong-1-1.png
Trẻ tham gia trồng trọt bảo vệ môi trường. Ảnh: P.Anh 

Nhờ những nỗ lực đó, những đứa trẻ ở quanh vươn quốc gia Núi Chúa đã trở thành “camera chạy bằng cơm” cho các cán bộ trong Vườn quốc gia. Trẻ thuộc lòng về nhận dạng các loại động vật quý hiếm, bảo vệ rùa biển tại Ninh Thuận. Nhiều trẻ phát hiện người lớn bắt rùa, nuôi động vật hoang dã đã báo ngay cho cán bộ kiểm lâm để tiến hành tuyên truyền cho các hộ dân giao trả động vật về với tự nhiên.

Anh Trung lên ý tưởng tìm các tình nguyện viên về tham gia cứu hộ động vật tại Vườn quốc gia Núi Chúa dạy tin học, tiếng Anh cho trẻ ở quanh bìa Vườn. Những từ ngữ trẻ được học đều về các sinh vật. Trẻ học đánh máy tính bằng các văn bản tuyên truyền về bảo vệ động vật. Mưa dầm thấm lâu, những đứa trẻ này đã thuộc lòng các quy định về chăm sóc và bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có rùa biển. Nhiều trẻ thấy bố mẹ bắt giữ rùa biển, chúng trở thành tuyên truyền viên vận động cha mẹ mình không sát hại rùa biển và các động vật khác.

Xót những cánh rừng bị tàn phá, sinh vật rừng bị sát hại bởi những kẻ tham lam, kém hiểu biết, anh đã thành lập nhóm “Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam” với hơn 22 nghìn hộ gia đình tham gia. Hoạt động của nhóm đã tích cực góp phần truyền thông tạo nên thế hệ trẻ yêu động vật, bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

Ngoài giáo dục trẻ nhỏ sống quanh khu vực Vườn, anh Trung còn tổ chức các đợt tình nguyện, dã ngoại trải nghiệm cho trẻ. Vào mùa hè, học sinh có thể tham gia các hoạt động tình nguyện cứu hộ động vật tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Cát Tiên, Núi Chúa. Trong năm, anh tổ chức các buổi dã ngoại trải nghiệm, giảng dạy cho trẻ về sinh vật học. Nhiều chương trình anh trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho trẻ từ động vật, thực vật, những loài động vật đặc trưng ở các khu rừng tại Việt Nam.

Chị Phan Mỹ Hạnh - trú tại TP.HCM chia sẻ, con gái chị đã tham gia vào chương trình tình nguyện cứu hộ động vật và sau 1 tuần trải nghiệm thực tế đã biết đến các loài động vật, được chạm tay vào cá sấu, các tiêu bản động vật hoang dã. Con đã lưu loát nói về sự tiến hóa của động vật và giá trị của công tác bảo vệ động vật như thế nào. Những gì con trải nghiệm hơn tất cả các bài báo, quyển sách con đã học. Trẻ được trải nghiệm quan sát rùa đẻ trứng, ẵm rùa con ra biển tại Vườn quốc gia Núi Chúa. Kết thúc chương trình, các con còn nhận được chứng nhận do Vườn trao tặng. 

Sau 8 năm hoạt động, tình yêu thiên nhiên của anh dần lan tỏa đến mọi người. Hiện tại, nhà sinh vật học không còn đơn độc một mình. Anh Trung có thêm các cộng sự chung tay cùng góp phần đưa tình yêu thiên nhiên vào tâm hồn những đứa trẻ.

Phương Anh