Nhiều công dụng được nêu để giải thích cho việc lắp gương trong thang máy nhưng nguyên nhân chính thật sự đầy tính nhân văn lại nhiều người chưa biết.
Tùy theo mức độ sang trọng của tòa nhà mà thang máy cũng có sự khác biệt, nhưng nhìn chung về cơ bản vẫn có những điểm không thay đổi, bao gồm những chiếc gương.
Trong khi gương chẳng có liên quan gì đến chuyện di chuyển lên xuống, vây sao nhất định lại phải có?
Nhiều người, từ chính kinh nghiệm của mình, đưa ra nhiều công dụng khác nhau của những tấm gương này.
Chẳng hạn với phụ nữ, nhiều người chỉ ra ngay công dụng giúp họ chỉnh trang son phấn, y phục, tác phong, không chỉ thế còn giúp việc quan sát, phòng ngừa các vụ phạm tội và tấn công tình dục.
Nhiều người khác thì khẳng định gương được lắp nhằm phân tán sự chú ý, giúp ta cảm thấy đỡ buồn chán và bực bội vì khoảng thời gian phải bỏ ra.
Hơn thế, nhiều người còn bị chứng sợ không gian hẹp và kín, khiến họ cảm thấy ngột ngạt, bức bối, và gương giúp họ bớt chứng sợ này do tạo cảm giác không gian rộng ra.
Tất cả những nguyên nhân và công dụng nêu trên đều đúng, nhưng thực tế, nguyên nhân chính thật sự ngay từ đầu tinh tế, nhân văn và cảm động hơn nhiều.
Nguyên nhân đó chính là để khi người tàn tật ngồi xe lăn vào thang không cần cố sức xoay người lại vẫn có thể nhìn thấy được các hiển thị cho biết mình đã đến tầng nào, cũng như hướng di chuyển.
Thiết kế lắp đặt này có xuất xứ từ Nhật Bản, đã trở thành tiêu chuẩn của Hiệp hội thang máy Nhật Bản kể từ năm 1975, theo đó bắt buộc phải lắp đặt gương trong thang máy của những công trình công cộng.
Về sau, các quốc gia khác cũng học tập theo quyết định này.
(Theo TTVN)