Là kỹ sư công nghệ thông tin chuyên ngành hệ thống thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nôi, Nguyễn Hà Đông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới công nghệ trong và ngoài nước với tựa game di động Flappy Bird.

Chàng trai kiếm hơn 1 tỉ đồng mỗi ngày

Sinh năm 1985 tại Hà Nội, Nguyễn Hà Đông thành lập .GEAR Studio năm 2012 và bắt đầu xuất bản các trò chơi dạng các máy arcade trên smartphone, phần lớn dành cho iPhone.

Sau một thời gian hoạt động khá yên ắng, tên tuổi của Đông nổi lên như một hiện tượng khoảng cuối năm 2013, thời điểm tựa game miễn phí Flappy Bird mà anh phát hành vào tháng 5-2013 nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng người dùng di động trên toàn cầu. Có những thời điểm “chú chim khờ” của Đông đạt 2 đến 3 triệu lượt tải mỗi ngày.

Flappy Bird có giao diện người chơi đơn giản, sử dụng những cú chạm nhẹ trên màn hình cảm ứng để điều khiển “chú chim khờ” tránh các ống nước giăng sẵn. Người chơi “bay” càng lâu sẽ đạt được càng nhiều điểm.

{keywords}

Giao diện và cách chơi game Flappy Bird khá đơn giản nhưng không dễ đạt điểm cao.

Theo trang công nghệ The Verge, với Flappy Bird, tác giả có thể kiếm khoảng 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) mỗi ngày từ quảng cáo trong game, mặc dù đây là một game hoàn toàn miễn phí.

Trước khi được gỡ khỏi chợ ứng dụng Apple App Store (iOS) và Google Play Store (Android) ngày 10-2-2014, số lượt tải về của game này đã lên đến 50 triệu. Trong tháng 1-2014, Flappy Bird là game có số lượng tải về lớn nhất trên toàn hệ thống App Store và vị trí này kéo dài suốt 20 ngày.

Chia sẻ trên Twitter về việc gỡ bỏ Flappy Bird khỏi các chợ ứng dụng, Nguyễn Hà Đông cho biết: “Truyền thông đánh giá quá mức thành công của trò chơi này. Đây là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Xin cho tôi chút bình yên”.

Có lẽ thành công quá lớn và dồn dập đã khiến cuộc sống của Hà Đông bị xáo trộn. Đầu tiên là tin đồn về vụ kiện Flappy Bird vì sử dụng một số hình ảnh có trong game Mario của Nintendo, sau đó là sự xuất hiện của loạt game "ăn theo", trong đó có cả các ứng dụng lợi dụng để phát tán mã độc hại. Chia sẻ trên một số trang web quốc tế, bản thân anh cũng thừa nhận chúng đã trở thành thứ gây nghiện chứ không đơn thuần là game di động, đặc biệt nó đã gây xáo trộn lớn trong cuộc sống của anh.

Cuộc sống bình dị

Sau khi Flappy Bird nổi lên như một hiện tượng, khiến giới truyền thông trong nước và quốc tế phải tốn rất nhiều giấy mực, cuối tháng 3-2014, tác giả của nó đã được bầu chọn là một trong những lập trình viên có ảnh hưởng nhất thế giới cùng với các tên tuổi lớn khác như chuyên gia thiết kế của Apple, Jony Ive, nhà sáng lập và CEO của Foursquare, Dennis Crowley... Tuy sức ảnh hưởng của Hà Đông vẫn chưa thể bằng những tên tuổi lớn này nhưng ít nhất anh cũng đã có mặt trong danh sách, được thế giới công nhận thành công.

{keywords}

Nguyễn Hà Đông và CEO Google Sundar Pichai trong quan trà chanh ở vỉa hè Hà Nội. Ảnh Internet.

Đầu năm 2015, Nguyễn Hà Đông được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 30 người dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam.

Thành công là thế nhưng Nguyễn Hà Đông vẫn là người sống rất giản dị ngoài đời. Trong thời gian nổi tiếng, anh dường như hạn chế gặp mặt, trao đổi với giới truyền thông nhằm tập trung vào việc phát triển game tại .GEAR Studio. Một số nguồn tin còn cho rằng, vì gặp nhiều vấn đề mà cả năm 2014 anh chỉ ra mắt được thêm tựa game Swing Copters vào cuối tháng 8-2014 nhưng không thành công như Flappy Bird.

Nguyễn Hà Đông cho rằng việc Flappy Bird thành công trong khoảng cuối năm 2013 thực sự là điều bất ngờ với anh và nó đến quá sớm. Bởi theo Hà Đông, việc tạo ra được một game thành công đã là khó, để lặp lại điều đó càng khó hơn. Đó còn là lý do cho thấy vì sao cho đến nay anh vẫn chưa có một game có thể mang lại thành công tương tự.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian khá yên ắng, mọi người đã bất ngờ gặp lại Hà Đông khá giản dị trong một cuộc trò chuyện thân mật với CEO Google Sundar Pichai tại một quán… trà chanh trên vỉa hè ở Hà Nội vào cuối tháng 12-2015.

Trở thành người Việt Nam xuất hiện trong sách Guinness 2016

Trong phiên bản Sách kỷ lục thế giới Guinness mới nhất năm 2016, Nguyễn Hà Đông đã được xướng tên cùng đứa con tinh thần “Flappy Bird” ở hạng mục “Ứng dụng đầu tiên bị gỡ bỏ sau khi đứng đầu bảng xếp hạng App Store”. Đây không phải hạng mục dành cho một nhân vật mà ghi nhận một ứng dụng di động được anh tạo ra là Flappy Bird.

Trong Sách kỷ lục Guinness 2016, Flappy Bird được miêu tả là một trò chơi được thiết kế hướng đến người chơi hay đi tàu xe chỉ với một tay để điều khiển chú chim.

Mặc dù chỉ là một kỷ lục dành cho hạng mục có thể không gây được sự chú ý nhiều trong Sách kỷ lục Guinness nhưng rõ ràng điều này cho thấy cộng đồng Việt Nam rất quan tâm đến anh.

Sự thành công này có thể xem như là tài năng khác biệt của Nguyễn Hà Đông, một chàng trai trẻ đã không ngừng đam mê và làm việc thực sự nghiêm túc. Sự thành công của Flappy Bird có thể xem như phần tưởng thưởng ngọt ngào xứng đáng dành cho anh. Không thể phủ nhận cái tên "Nguyễn Hà Đông" đã trở thành một biểu tượng thành công của làng game Việt Nam và giới trẻ, kích thích những chàng trai trẻ Việt Nam miệt mài làm việc để lập nghiệp và làm giàu.

Sách kỷ lục Guinness là gì?

Sách Guinness lần đầu tiên được ra đời tại Anh vào năm 1955, với tên gọi khá dài dòng “Sách của những sự kiện nổi trội nhất, nói về những điều cao nhất, thấp nhất, lớn nhất, nhỏ nhất, nhanh nhất, cũ nhất, mới nhất, ưu việt nhất, nóng nhất, lạnh nhất, mạnh nhất”.

Một thời gian sau, khi Sách kỷ lục Guinness được tái bản, tên gọi của nó cũng đã thay đổi, trở nên ngắn gọn và dễ hiểu hơn. Và cho đến thời điểm hiện tại, cuốn sách tra cứu này nổi tiếng khắp thế giới với tên gọi quen thuộc là Sách kỷ lục Guinness.

Hiểu đơn giản, đây là một cuốn sách nặng về tính tra cứu, ghi chép lại gần như đầy đủ những kỷ lục, sự kiện, hiện tượng, nhân vật bất thường trên toàn thế giới, diễn ra trong 1 năm. Đồng thời, cuốn sách cũng đưa ra những giải thích cho các sự kiện, hiện tượng đó.


(Theo Dân Việt)