Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt thiện tai làm 14 người chết, 20 người bị thương; 7.845 nhà dân bị hư hỏng; hơn 3.557 ha cây hoa màu, cây dược liệu bị thiệt hại cùng hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều đoạn đường giao thông bị phá hủy. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 ước trên 840 tỷ đồng.
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai rà soát các hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, đề xuất chính sách quy tụ dân cư giai đoạn 2021- 2023, đưa về sống tập trung tại các thôn bản, gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo sinh kế bền vững, ổn định đời sống người dân.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tổ chức thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo Nghị định số 114/2018/NĐ/CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ; thực hiện nghiêm đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 theo Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cho các cấp, ngành và người dân.
Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác quy tụ dân cư và di dời các hộ dân có nhà bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở mới rất khó khăn do nhận thức, tập quán, thói quen, sinh kế...
Nằm ở phía Tây của tỉnh, huyện Xín Mần có địa hình núi đất dốc, chia cắt mạnh, hàng năm chịu anh hưởng bởi thiên tai và gây thiệt hại về người và tài sản. Chỉ tính riêng năm 2020, huyện có 6 người chết do thiên tai, hơn 1.600 căn nhà và hơn 1.500 ha hoa màu bị thiệt hại. Sạt lở do mưa lũ cũng đã khiến nhiều đoạn đường giao thông bị vùi lấp, tổng thiệt hại trên 58 tỷ đồng.
Trước tình trạng dân cư sinh sống rải rác, huyện Xín Mần dã thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và của tỉnh quan tâm hỗ trợ cho các hộ khó khăn về nhà ở xây nhà kiên cố, nhằm hạn chế mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Đối với các hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai sạt lở, sinh sống rải rác, hàng năm huyện cũng đã giao cho các xã tổ chức rà soát để xem xét xây dựng kế hoạch quy tụ về nơi an toàn.
Tuy nhiên, công tác quy tụ dân cư tập trung còn gặp nhiều khó khăn về ngân sách, do vậy huyện Xín Mần đã triển khai theo kiểu di dân xen ghép. Trong giai đoạn 2018 -2020, huyện đã di dân 1.141 hộ. Mô hình này tiết kiệm chi phí đầu tư, phù hợp với mức hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân khi phải di chuyển đến nơi ở mới an toàn.
Về vấn đề di dân xen ghép, giai đoạn 2017-2019 tỉnh Hà Giangđã hoàn thành 4.692 nhà, qua quá trình triển khai cho thấy mô hình xen ghép giảm kinh phí, đỡ tốn kém. Hiện nay, qua rà soát, tỉnh còn 5.550 nhà cần phải di rời đến nơi ở mới an toàn. Tỉnh Hà Giang kiến nghị Trung ương và các bộ, ban, ngành liên quan xem xét có chính sách, hoặc có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho những hộ trong vùng thiên tai theo hình thức xen ghép ổn định tại chỗ với mức 90 triệu đồng/nhà để di chuyển đến nơi ở mới an toàn.
Ông Giáp Mai Thùy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh có địa hình rất phức tạp, đồi núi dốc tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt khi xảy ra mưa lũ. Hơn nữa, do tập quán sinh sống của người dân thường sinh sống bám rừng, bám núi để canh tác. Hàng năm nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai rất hạn chế và phụ thuộc vào Trung ương. “Hiện tại Hà Giang đang rất cần kinh phí để mua sắm trang thiết bị như phương tiện khắc phục thiên tai từ huyện đến xã, lắp đặt thêm trạm quan trắc, cảnh báo thiên tai” – ông Thùy kiến nghị.
Điệp Lưu
Quảng Bình: Tăng cường phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu
Thời gian qua, vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được chú trọng, tăng cường, trong đó có phòng tránh thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.