Biến đổi khí hậu, đời sống sinh hoạt và sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, mặc dù tỉnh đã triển khai các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa thực sự hiệu quả. Nếu không có hướng đi mới, dự báo kinh tế Hà Giang trong những năm tới khó có thể phát triển bền vững. Do đó, để phát triển kinh tế bền vững, tỉnh Hà Giang cần chủ động thực hiện tốt quá trình chuyển đổi kinh tế xanh. Đây là bước đi tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh trên toàn thế giới và tại Việt Nam.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chỉ rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế cần gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bằng các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển cho từng ngành, địa phương, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh.
Với tinh thần đó, T.S. Vương Ngọc Hà - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang gợi mở một số giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh như sau:
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hệ thống chính trị về vai trò, ý nghĩa của phát triển kinh tế xanh; tuyên truyền các chương trình, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế xanh, phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen, đặc biệt là áp dụng các giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái, thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; tuyên truyền về phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, công tác bảo vệ rừng, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững; tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến tại các địa phương trong toàn tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; giảm thiểu tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; không săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, hủy diệt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; thả động vật con giống về với tự nhiên... Từ đó, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh của tỉnh Hà Giang.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái tạo rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Thực hiện dồn điền đổi thửa và sử dụng đất theo định hướng thị trường để thúc đẩy cơ giới hóa và đa dạng hóa cây trồng, từ đó dẫn đến tăng năng suất.
Tiếp tục nghiên cứu, ban hành, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng đầu tư vào khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, trong đó doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.
Tập trung chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh hàng hóa đặc trưng theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác bảo tồn nguồn gen cây trồng, bình tuyển một số giống cây đầu dòng như: chè Shan Tuyết, cam sành Hà Giang, cây ăn quả ôn đới (lê, mận, hồng không hạt...) của các địa phương trong tỉnh để tiếp tục phát triển.
Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; Tiến hành trồng rừng với những loài cây bản địa, đặc hữu, những loài có giá trị về bảo vệ nguồn gen và cảnh quan; khuyến khích, vận động người dân trồng và bảo vệ rừng.
Sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, bảo đảm dự trữ hợp lý tài nguyên khoáng sản nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế địa phương bền vững; không triển khai mới các dự án khai thác khoáng sản, thủy điện khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý việc cấp phép, khai thác và chế biến khoáng sản bảo đảm đúng quy định, hạn chế tối đa tác động ô nhiễm môi trường.
Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho tăng trưởng xanh phát triển, trong đó có nội dung thúc đẩy công nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm công nghiệp; từng bước chuyển dịch ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, vừa tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, vừa bảo vệ môi trường.
Giảm tổn thất điện năng trên toàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, các tòa nhà công sở và ít nhất 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; 100% hệ thống chiếu sáng đường phố trên địa bàn tỉnh sử dụng đèn led. Khuyến khích lắp đặt, tích hợp sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng rác...; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao; sử dụng hệ thống dự trữ năng lượng ở giờ thấp điểm để sử dụng vào giờ cao điểm.
Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, hướng tới danh hiệu “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu”; thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm tiêu biểu; phát huy lợi thế về cảnh quan, giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với các di tích lịch sử, văn hóa... để hình thành, phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và ngoài nước.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các sự kiện, hoạt động ngoại giao văn hóa, truyền thông trực tuyến trên các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, triển khai lắp đặt và duy trì hệ thống mã QRCode tại các điểm du lịch giúp cung cấp thông tin thuận tiện cho du khách. Tập trung nguồn lực và thu hút đầu tư để xây dựng hạ tầng du lịch, bao gồm nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường đi đến các điểm du lịch, cứng hóa mạng lưới giao thông tại thôn, xóm để phục vụ du khách.
Tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường thu hút đông đảo nhân dân tham gia, hưởng ứng. Thực hiện đầu tư lắp đặt và vận hành hiệu quả các lò xử lý rác, bãi chôn lấp rác thải, chất thải rắn; đầu tư mua sắm xe ôtô chở rác, xe đẩy tay và thùng đựng rác.
Tích cực lồng ghép các mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu trong công tác lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là các đô thị có vai trò động lực phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, thông minh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực hiện công tác phân loại, thu gom, xử ý chất thải sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành. Nước thải sinh hoạt ở khu vực đô thị cần được thu gom xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải của các hộ gia đình và hộ kinh doanh. Các dự án đầu tư trong khu đô thị (nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại...) cần bảo đảm có hệ thống xử lý nước thải riêng. Hằng năm, duy trì thường xuyên hoạt động quan trắc môi trường không khí xung quanh tại khu vực đô thị, khu vực sản xuất công nghiệp có phát sinh khí thải để có giải pháp xử lý kịp thời.
Tạo lập môi trường và hình thành văn hóa, lối sống xanh. Tăng cường triển khai các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, như: hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc cây trồng, vật nuôi; xây dựng website bán hàng, tổ chức livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm...; tổ chức tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng là thế mạnh của tỉnh đối với sản phẩm: cam sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc Hà, các sản phẩm chế biến từ dược liệu... tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Minh Yến