Hà Giang có 90% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều dân tộc còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn dẫn đến những hệ lụy đối với gia đình và xã hội.
Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được Đảng, Nhà nước đưa vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã, đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình này.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền với nội dung phong phú.
Điển hình như trường PTDT Nội trú THPT tỉnh Hà Giang. Năm 2024, trường phối hợp với Trung tâm Y tế xây dựng kế hoạch, tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản Vị thành niên, Thanh niên. Hậu quả, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho học sinh.
Mục tiêu của Hội nghị nhằm cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh, giúp các em có kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, từ đó xây dựng lối sống lành mạnh về thể chất, tinh thần nhằm phát triển một cách hoàn thiện và toàn diện.
Nâng cao nhận thức về hậu quả, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, trường cũng lồng ghép, đưa nội dung này vào các tiết học ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề và trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục.
Các hình thức tuyên truyền luôn được đổi mới, đa dạng qua tiểu phẩm, trò chơi, diễn kịch… Qua đó, các kiến thức về Luật Hôn nhân - gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản; hệ lụy của tảo hôn đến với học sinh một cách dễ hiểu, gần gũi.
Chúng tôi được tham dự buổi sinh hoạt ngoại khóa sôi nổi tại một lớp học ở trường. Cô giáo đưa các nội dung tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào một cuộc thi nhỏ với các phần thi trắc nghiệm nhanh; miêu tả từ qua ngôn ngữ cơ thể…
Các em được xem các phóng sự thực tế về những hệ lụy mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết mang lại, được thảo luận và đưa ra những vấn đề mà các em chưa hiểu để được cô giáo giải đáp.
Các giáo viên trong trường cũng thường xuyên đến thăm, gặp gỡ các em tại ký túc xá để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, động viên các em học tập, tuyên truyền các nội dung về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Hằng năm, trường còn tổ chức các hội thi về chủ đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhằm giúp học sinh có thêm trải nghiệm thực tế, đồng thời ký cam kết không vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình giữa bốn bên: Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, học sinh, gia đình. Từ các hoạt động này, nhận thức của học sinh trong trường được nâng lên.
Kết quả, những năm gần đây, trường không có tình trạng học sinh bị bố mẹ ép bỏ học về nhà lấy chồng, lấy vợ.
Theo thống kê, năm 2017, tỉnh có 5.818 cặp kết hôn, trong đó có tới 424 cặp tảo hôn, hai cặp hôn nhân cận huyết thống thì đến năm 2023, tỉnh có 6.506 cặp kết hôn, có 176 cặp kết hôn tảo hôn và chỉ còn một cặp hôn nhân cận huyết thống.
Mặc dù tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đã giảm, nhưng do tập tục này đã tồn tại trong cộng đồng từ lâu đời cho nên không dễ xóa bỏ ngay. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân nói chung và học sinh nói riêng vẫn cần được cấp ủy, chính quyền các cấp duy trì, thực hiện thường xuyên, liên tục.