Với kết quả này, hiện Hà Giang đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu năm 2022: Phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.800 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,2%. Các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp: Phòng, chống dịch Covid - 19 linh hoạt, hiệu quả; rà soát, đề xuất tháo gỡ các rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, thu hút đầu tư; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả các chế độ, chính sách và nhiệm vụ liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; ban hành cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép tối đa các nguồn vốn.

Báo cáo tình hình phát triển KT – XH, QP – AN 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh cho hay, sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid - 19, tình hình KT – XH của tỉnh chuyển biến tích cực; các hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế, thể thao, du lịch… cơ bản trở lại bình thường; an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, QP – AN được giữ vững; hầu hết các chỉ tiêu về KT – XH 6 tháng đầu năm 2022 đều đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Một góc tỉnh Hà Giang

Toàn tỉnh đánh giá, phân hạng và cấp chứng nhận cho 40 sản phẩm của 29 chủ thể đạt OCOP 3 sao. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Toàn tỉnh có 3 dự được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng nguồn vốn 116,661 tỷ đồng; 136 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới. Đặc biệt, xây dựng Nông thôn mới có nhiều khởi sắc, tổng khối lượng xi măng bàn giao cho các xã đạt 19.637 tấn; các địa phương làm được 196,4 km đường bê tông; bó láng 398 nền nhà, kiên cố hóa 3,6 km kênh mương, nhân dân đóng góp 107.300 ngày công và hiến 74.216 m2 đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Có 1.394 hộ cải tạo vườn tạp, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, đã giải ngân 29.804 triệu đồng/1.006 hộ. Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, văn hoá ,thể thao, xây dựng nhà ở, việc làm và an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, người dân ngày càng tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh. Hà Giang đã triển khai chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Hà Giang - an toàn, bản sắc và thân thiện”. Lượng khách du lịch đến với Hà Giang trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,1 triệu lượt người, tăng 72,1% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu du lịch đạt trên 2.211 tỷ đồng.

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.085,8 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 56,2% dự toán Trung ương giao. Công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số doanh nghiệp, xúc tiến du lịch, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử được đẩy mạnh. Việc ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan hành chính được thực hiện tích cực.

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, Hà Giang đã thu hút 13 nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực: Chế biến nông, lâm sản; dược liệu; thương mại; du lịch, môi trường; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 116 tỷ đồng.

Sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì sự ổn định và tiếp tục có tăng trưởng, đảm bảo về diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng. Các sản phẩm đặc trưng của Hà Giang tiếp tục được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, Hà Giang có 233 sản phẩm OCOP, trong đó 228 sản phẩm 3 sao, 4 sao cấp tỉnh; 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.

Chỉnh trang đô thị tiếp tục được triển khai tích cực, diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt; các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch các khu, điểm du lịch được triển khai theo đúng kế hoạch. 

Các giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm

Dự báo trong 6 tháng cuối năm có nhiều thuận lợi và thử thách đan xen. Chính vì vậy, các ngành, các cấp cần chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện tinh thần “phục vụ”, “kiến tạo”, tạo niềm tin và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Các đơn vị cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm có số vốn đầu tư lớn, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành và các chủ đầu tư.

Để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển KT - XH, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 đã đề ra, Hà Giang xác định tập trung các giải pháp trọng tâm: Chủ động, thích ứng linh hoạt phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm có số vốn đầu tư lớn; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục cải tạo vườn tạp đi vào thực chất; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn; tập trung thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý tài nguyên môi trường và phòng chống thiên tai.

Từ nay tới cuối năm, tỉnh cũng tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của các chương trình mục tiêu quốc gia và có giải pháp, thứ tự ưu tiên triển khai theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; đẩy nhanh tiến độ cung ứng và tiếp nhận xi măng để thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn các xã năm 2022. Đồng thời, tỉnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022; quyết liệt hơn trong công tác giải quyết vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm tổ chức khởi công xây dựng các dự án trọng điểm như: Dự án du lịch nghỉ dưỡng khu P'apiu - Lũng Hồ 1 và 2; dự án nhà máy xử lý rác thải xã Kim Thạch (huyện Vị Xuyên)…; Hà Giang đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Cam sành Hà Giang, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.

Tỉnh cũng xác định tầm quan trọng của việc triển khai hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng, bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định; xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp đặc thù hàng hóa.

Hòa An