Gia đình chị Phàn Thị Xuân, người dân tộc Dao, trú tại Bản Lủa xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, Hà Nội dù có hai con gái nhưng chị Xuân quyết định không đẻ thêm con. Nhiều người trong xóm động viên chị sinh thêm để kiếm con trai nhưng chị Xuân và chồng đã thống nhất dù trai hay gái cũng nuôi con thật tốt, cho con đi học và tập trung phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, từ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gia đình chị Xuân đã thoát nghèo nhờ chăm chỉ làm ăn, không đẻ nhiều con. Chị Xuân cũng được cán bộ trạm y tế tư vấn về các biện pháp tránh thai an toàn, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và tư vấn về chăm sóc sức khỏe trẻ em gái.

Các con của chị hiện đã học tiểu học. Trẻ được nhà trường phổ biến kiến thức về Luật bình đẳng giới, bảo vệ sức khỏe học sinh. Chồng chị Xuân cũng tích cực tham gia hỗ trợ và chia sẻ với vợ con. Anh cũng không có quan niệm trọng nam khinh nữ. Nhờ có quyết định đúng đắn không cố sinh con trai, kinh tế gia đình chị Xuân ngày càng phát triển, con cái học hành tử tế, gia đình hạnh phúc.

387642960 889675636147403 4093423350984578353 n.jpg
Tuyên truyền cho bà con dân tộc về bình đẳng giới tại Hà Giang. Ảnh: P.V

Hà Giang tỉnh miền núi, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí của bà con các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn duy trì ở nhiều nơi.  Phong tục của người dân tộc quan niệm rằng nhà phải đông con cháu mới là có phúc và quan điểm “trọng nam kinh nữ” vẫn còn tồn tại. 

Theo Chi cục Dân số tỉnh Hà Giang, tỷ số giới tính sau sinh năm 2022 của địa phương ở mức cao 109,1 bé trai/100 bé gái. Dù đã giảm so với năm 2015 (112,8 bé trai/100 bé gái) tuy nhiên mức độ mất cân bằng giới tính sau sinh tại địa phương chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên.

Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh vẫn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như nghiêm cấm mọi hình thức sàng lọc giới tính trước sinh.

Tổ chức tuyên truyền Quốc tế Trẻ em gái (11/10) năm 2023 với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.  Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Giang đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các buổi học ngoại khóa sinh hoạt về chủ đề “Bình đẳng giới chăm sóc sức khỏe cho trẻ em gái” cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài ra, đơn vị này cũng thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh, cung cấp tờ rơi, sách mỏng, xây dựng cụm pano tuyên truyền.

Hà Giang cũng đưa ra các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 theo đó tỷ lệ phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn lực kinh tế, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông ngày được nâng lên.

Theo ông Phạm Công Khanh, Giám đốc Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Giang, mất cân bằng giới tính sau sinh ảnh hưởng tới công tác dân số và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Để nâng cao bình đẳng giới trên địa bàn việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính sau sinh luôn được quan tâm. Công tác tuyên truyền tới người dân vô cùng quan trọng. Đây được coi là giải pháp trọng tâm, then chốt của địa phương.

Nhiều cán bộ dân số đã đi tới từng thôn bản để vận động bà con về quan niệm trọng nam khinh nữ, Luật Bình đẳng giới qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính đối với phát triển bền vững của mỗi gia đình và xã hội.

Các trung tâm dân số các huyện, thành phố cũng tập trung rà soát, bổ sung, xây dựng các mô hình hỗ trợ, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ, nâng cao quyền phụ nữ, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. 

Tuy nhiên, công tác dân số của tỉnh Hà Giang còn nhiều thách thức như đa số người dân đều là người dân tộc thiểu số, dân trí không đồng đều, người dân có tâm lý thích nhiều con và thích có con trai nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.

Phương Anh