Toàn tỉnh Hà Giang hiện có trên 170.390 con trâu; 117.270 con bò; 116.879 con dê;… 4,7 triệu con gia cầm và 48.127 tổ ong. Ngay từ đầu năm, Chi cục Chăn  nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

{keywords}
Phòng, chống các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo đàn vật nuôi phát triển tốt

UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đều thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật. Đến nay đã tiêm được 1.166.483 lượt con gia súc phòng, chống các dịch bệnh: Lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng; phòng dại chó và tiêm phòng cho gia cầm. Chi cục ban hành các văn bản hướng dẫn và cử cán bộ trực tiếp xuống thôn, bản kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các hộ dân cách phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi; triển khai đồng loạt “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường”; tổ chức các hội nghị, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi, các trang trại, hộ kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống dịch và tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tỷ trọng ngành chăn nuôi được giữ vững và đạt trên 30,1%.

Bên cạnh kết quả đạt được, năm ngoái cũng là một năm khó khăn đối với ngành chăn nuôi tỉnh nhà khi dịch bệnh bùng phát và lan nhanh diện rộng với diễn biến phức tạp. Ngay khi dịch bệnh xảy ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh; Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhờ vậy đã hạn chế mức thấp nhất tình trạng lây lan dịch bệnh, giúp người dân yên tâm chăn nuôi và tái đàn sau dịch.

Thời điểm cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, cũng là dịp gần Tết nguyên đán nên tình hình vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm có xu hướng tăng cao, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, đảm bảo vệ sinh ATTP; các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến trên đàn gia súc, gia cầm; phát hiện sớm, báo cáo, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra; quản lý chặt chẽ đàn gia súc nhập từ các địa phương khác vào địa bàn; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và ATTP; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, vật tư, hóa chất và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra. Các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, nhằm phát hiện sớm để nuôi cách ly, điều trị kịp thời”.

Với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của ngành chức năng và nỗ lực của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, kỳ vọng đàn vật nuôi của tỉnh tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Mạnh Hưng