Hà Giang có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là vùng đất địa đầu, biên cương Tổ quốc. Tỉnh có diện tích tự nhiên gần 8.000 km2 (thứ 14/63 cả nước); dân số hơn 900.000 người (thứ 47/63) với 19 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 88% dân số.
Về tiềm năng nông nghiệp, Hà Giang có diện tích đất rừng lớn với tỉ lệ che phủ rừng đạt gần 59%, có tiềm năng về mua bán tín chỉ carbon; có tính đa dạng sinh học cao với gần 1.500 loài thực vật; hơn 460 loài động vật với trên 100 loài động vật trong sách đỏ và trên 100 loài thực vật quý hiếm.
Tỉnh có nguồn dược liệu đa dạng, phong phú (trên 1.100 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loại cây thuốc quý). Có hệ thống sông, suối dày đặc; diện tích hồ gần 8.900 ha.
Về tiềm năng công nghiệp, tỉnh nhiều sông thuận lợi cho phát triển thủy điện; tài nguyên khoáng sản đa dạng, một số khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn như quặng sắt, quặng chì, kẽm, quặng mangan, quặng antimon…
Về tiềm năng du lịch, Hà Giang có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, môi trường trong lành, nhiều địa điểm đã được biết đến nhiều trong nước, quốc tế như cao nguyên đá Đồng Văn - công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của đất nước; sông Nho Quế, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cổng Trời, núi đôi Quản Bạ, Mã Pì Lèng - một trong "tứ đại đỉnh đèo" đẹp nhất của Việt Nam, cột cờ Lũng Cú... Hà Giang là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á 2023 do World Travel Awards bình chọn.
Con người Hà Giang giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách; văn hóa các dân tộc đặc sắc với nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời, nhiều ngành nghề truyền thống, nhiều lễ hội độc đáo, văn hóa ẩm thực các dân tộc phong phú. Tỉnh có có 1 di sản văn hóa, 1 di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh, 31 di tích xếp hạng cấp quốc gia…
Nhìn chung, với những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của mình, Hà Giang hoàn toàn có thể phát triển nhanh, xanh, bền vững, là "phên giậu" vững chắc của Tổ quốc.
Đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều điểm sáng. GRDP quý I tăng trưởng dương (đạt 2,65%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 18,3% so với cùng kỳ.
Nông nghiệp tiếp tục khởi sắc. Dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng gần 17,2%, tổng lượng khách du lịch tăng 26% so với cùng kỳ.
Công tác lập quy hoạch được triển khai đảm bảo tiến độ. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang được khởi công.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,4%/năm trong giai đoạn 2021 - 2022. Hà Giang là một trong 3 tỉnh được Trung ương bố trí nguồn vốn lớn nhất để để triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, làm thay đổi diện mạo, vị thế Hà Giang, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất, tạo sinh kế cho người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, với các ngành nghề mới, không gian phát triển mới, các khu công nghiệp mới, khu dịch vụ mới và đặc biệt là khí thế mới của nhân dân, với việc xây dựng hạ tầng chiến lược (giao thông, điện, nước, viễn thông). Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn của Hà Giang.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng đề nghị Hà Giang nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, tự tin, càng áp lực lại càng nỗ lực bởi "non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi".