Bạn đọc Minh Nghĩa đặt câu hỏi: “Hiện nay tôi đăng ký tạm trú ở phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Tôi đang là nhân viên (giáo viên, phiên dịch viên) cho doanh nghiệp kinh doanh đào tạo ngoại ngữ tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Sau ngày 21/9, tôi muốn đi làm việc thì tôi sẽ cần có những thủ tục gì để có thể ra vào Hà Nội cũng như Bắc Ninh?”.

Bạn đọc ở địa chỉ email phambichngoc…@gmail.com nêu: “Gia đình tôi có 2 con đang “mắc kẹt” ở Thanh Hóa từ tháng 5. Đã vào năm học mới được gần 1 tháng nhưng Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính Phủ nên con tôi vẫn ở quê. Kể từ 6h ngày 21/9 Hà Nội thực hiện theo Chỉ thị 15, gia đình tôi muốn được về Thanh Hóa đón các con ra Hà Nội bằng xe gia đình để tiện cho các cháu học tập do ở quê bà không có đủ các thiết bị cũng như hỗ trợ các cháu học. Vậy xin hỏi, gia đình tôi có thể xin giấy để về đón các cháu được không? Gia đình cam kết đi, về trong ngày”.

Bạn Anh Hoàng hỏi: “Tôi là sinh viên ở Thái Nguyên. Hiện tại, do dịch tôi ở nhà tại Hà Nội. Sắp tới, tôi có lịch bảo vệ đồ án tốt nghiệp cần phải lên trường. Vậy cho tôi hỏi, tôi đi xe máy qua tỉnh khác cần yêu cầu những giấy tờ gì?

{keywords}
Hà Nội đã dần kiểm soát được dịch. Phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân dỡ chốt phong toả vào sáng 21/9. Ảnh: Phạm hải

Trả lời: 

Từ 6h ngày 21/9, UBND TP Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện theo Chỉ thị 15, mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ, không kiểm tra giấy đi đường.

Tại hội nghị giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo T.Ư sáng 21/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay, nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào là rất cao. Chính vì vậy, TP tiếp tục duy trì 22 chốt ở cửa ngõ và 33 chốt ở đường ngang lối tắt của các huyện giáp ranh với các tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, còn trong nội bộ TP thực hiện Chỉ thị 15. 

“Chúng tôi chưa có chủ trương mở để người dân đi lại bình thường ở các cửa ngõ, mà chỉ có người công vụ, người có công việc đã đăng ký của các tổ chức, doanh nghiệp”, ông Phong thông tin.

Các chốt sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra/vào thành phố từ các vùng có dịch, các vùng nguy cơ, các vùng nguy cơ rất cao, phải đáp ứng các điều kiện đã quy định.

Lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, người dân muốn ra/vào thành phố cần xuất trình giấy tờ tuỳ thân (thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu), giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính bằng phương pháp PCR trong thời gian 72 giờ kể từ khi xét nghiệm.

Khi qua chốt kiểm soát dịch, người dân cần phải thực hiện quét mã QR Code để lực lượng chức năng theo dõi di biến động.

Chỉ những người đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo Công văn số 2434 ngày 29/7 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới được phép đi lại qua chốt kiểm soát ở cửa ngõ Thủ đô. 

Đối với những trường hợp muốn ra - vào thành phố cần xác định bản thân có nằm trong diện được phép ra - vào thành phố hay không.

Đặc biệt, người dân phải tìm hiểu quy định phòng chống dịch của nơi đến, xem địa phương đó có tiếp nhận người từ Hà Nội không, vì Thủ đô vẫn là nơi có nguy cơ dịch tễ.

Địa phương nơi bạn Minh Nghĩa muốn tới là Bắc Ninh hiện quy định như sau: Đối với những người từ các tỉnh, thành phố khác trước khi đi vào địa bàn tỉnh Bắc Ninh phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.

Thanh Hoá nơi bạn phambichngoc…@gmail.com muốn về đón con hiện quy định như sau: Người từ Hà Nội vào Thanh Hóa phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc PCR trong vòng 72 giờ.

Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc được công bố khỏi bệnh Covid-19, thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày, tổ chức xét nghiệm 2 lần.

Với người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày về địa phương, thực hiện xét nghiệm 3 lần. Người cách ly phải tự trả các chi phí liên quan. Khi kết thúc thời gian cách ly y tế tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.

Tỉnh Thái Nguyên nơi bạn Anh Hoàng học tập quy định như sau: 

Những người đến Thái Nguyên để thực thi công vụ phải có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch.

Người điều khiển phương tiện hàng hóa, nguyên vật liệu phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Đối với các trường hợp còn lại, những người đã tiêm đủ liều vắc xin khi đến Thái Nguyên phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày; cách ly tại nhà và nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ nhất, thứ 7 và ngày thứ 13. Trường hợp cho kết quả dương tính sẽ xử lý theo quy định.

Những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin thực hiện cách ly tập trung 14 ngày; tiếp tục theo dõi tại nhà, nơi cư trú 14 ngày tiếp theo và lấy đủ 5 lần xét nghiệm Covid-19.

Trong thời gian Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17, quý bạn đọc có những thắc mắc hay chưa nắm rõ những quy định nào trong đời sống, sinh hoạt hãy gọi điện cho báo VietNamNet theo số điện thoại 19001081 từ 8h30-20h hoặc địa chỉ email banthoisu@vietnamnet.vn. Chúng tôi sẽ liên lạc với các cơ quan chức năng để trả lời quý bạn đọc đầy đủ và nhanh chóng nhất có thể.

>>> Xem thêm hỏi đáp Covid-19 mới nhất

Ban Thời sự

Hà Nội chưa có chủ trương mở cửa ngõ để người dân đi lại bình thường

Hà Nội chưa có chủ trương mở cửa ngõ để người dân đi lại bình thường

Chỉ những người thực thi công vụ, có công việc đã đăng ký của các tổ chức, doanh nghiệp mới được đi lại qua các chốt này.