Kế hoạch thực hiện Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, từ năm 2023 đến năm 2025 vừa được UBND thành phố Hà Nội ban hành đặt ra nhiều chỉ tiêu chuyên môn.

Kế hoạch nêu rõ thành phố sẽ tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường phổ biến kiến thức và thực hành trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; hỗ trợ tăng cường việc khám thai định kỳ và hỗ trợ y tế cho phụ nữ trước, trong và sau khi sinh con. Hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời và trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

dân tộc thiểu số.jpg
Khám sức khỏe cho người cao tuổi ở Hà Nội. 

Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch này tại 13 xã thuộc 4 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm:

Huyện Ba Vì có 7 xã Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài; huyện Thạch Thất có 3 xã: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân; huyện Quốc Oai có 2 xã Phú Mãn và Đông Xuân; huyện Mỹ Đức có xã An Phú.

Về chỉ tiêu, thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 85% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần năm tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trên 95% phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ của thai kỳ. Trên 99,9% phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế.

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 3%. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 11,5%. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 6,8%.  

Thanh Tuấn và nhóm PV