Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống HIV/AIDS

Hiện, tại các xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện trên địa bàn TP.Hà Nội đều phát hiện người có HIV (chiếm 99,5%). Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TƯ.

Công tác thông tin, tuyên truyền về HIV/AIDS, nguy cơ, cách thức phòng, chống được triển khai thường xuyên, liên tục. Trong Tháng chiến dịch truyền thông cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020, thành phố đã treo 96 pano thông điệp truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên các trục đường chính; truyền thông phòng chống AIDS qua nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, đến 30/6/2020 đã thực hiện 8.086 lượt truyền thông.

Theo thống kê, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia can thiệp giảm tác hại tại cộng đồng; can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người có nguy cơ cao. 

{keywords}
 

Bên cạnh đó, các hoạt động can thiệp được đẩy mạnh, chương trình bao cao su, bơm kim tiêm đã triển khai phân phát miễn phí ở 30 quận, huyện. Đến hết 30/6/2020, toàn thành phố đã cấp phát 692.710 bơm kim tiêm cho 4.385 người nghiện chích ma túy; đã cấp phát 631.830 bao cao su miễn phí cho 9.969 người nguy cơ cao; 2.254 người nam có quan hệ tình dục đồng giới, 1.841 vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV qua các cơ sở y tế như trạm y tế, cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, phòng khám ngoại trú… và nhân viên tiếp cận cộng đồng của các chương trình, dự án.

Hiện Hà Nội có 7 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy công lập đang tiếp nhận và điều trị cho hơn 3.000 học viên. Trong quá trình cai nghiện, học viên được điều trị cai nghiện, tư vấn và chăm sóc sức khỏe, trang bị kỹ năng dự phòng tái nghiện và tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Thành phố cũng duy trì 73 phòng xét nghiệm sàng lọc, cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV cho 11 cơ sở y tế (6 bệnh viện thành phố và 5 Trung tâm Y tế quận, huyện).

Công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS được đẩy mạnh, tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS được giám sát hỗ trợ kỹ thuật ; 100% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV được điều trị ARV; 100% phòng khám ngoại trú trên địa bàn thành phố duy trì đủ thuốc kháng HIV và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS đến khám, điều trị…

Việc điều trị dự phòng để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện với 100% thai phụ có kết quả xét nghiệm HIV dương tính trước, trong và sau khi chuyển dạ; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV còn sống được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV…

Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng được triển khai tại 4 xã, phường thuộc các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì nhằm tạo điều kiện để người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện và thân nhân có cơ hội được tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị, hỗ trợ điều trị nghiện và các dịch vụ liên quan.

Mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tính đến tháng 7/2020, trên địa bàn toàn thành phố có trên 29.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có hơn 23.000 người còn sống, số người nhiễm HIV phát hiện mới chủ yếu là nam giới.

Công tác phòng chống, dịch HIV/AIDS vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; tình trạng kỳ thị với HIV vẫn còn - đây là rào cản làm người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, hiện toàn thành phố có 17 cơ sở điều trị Methadone mới bao phủ được 15/30 quận, huyện, thị xã khiến việc một số bệnh nhân phải di chuyển khoảng cách khá xa để đến được cơ sở điều trị uống thuốc hằng ngày. Tình trạng bệnh nhân sử dụng thêm các chất gây nghiện tổng hợp như Methamphetamine (hàng đá), ketamine, estacy (thuốc lắc),... ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, tuân thủ điều trị của bệnh nhân…

Bà Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp các hình thức truyền thông trực tiếp, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, tư vấn xét nghiệm; tăng cường can thiệp giảm tác hại cho người nhiễm HIV; mở rộng độ bao phủ của chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai Chỉ thị 10/CT-BYT của Bộ Y tế về Tăng cường giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong cơ sở y tế; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực hệ thống phòng chống HIV/AIDS; xây dựng các chính sách, đưa các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình thực tiễn.

Mục tiêu của kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 là tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, từ đó hoàn thành mục tiêu 90-90-90, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thủ đô. Theo đó sẽ có 2.500 người nhiễm HIV mới được phát hiện năm 2020;  2.500 người nhiễm HIV bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV; 2.500 người điều trị PrEP và 6.500 người được điều trị MMT.

Ngọc Hân