Ngày 7/12, Sở Y tế Hà Nội có văn bản khẩn gửi các trung tâm y tế quận, huyện thị xã về việc phân bổ thuốc điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 (lần 1).
Sở Y tế Hà Nội thông tin, các doanh nghiệp sản xuất dược, kinh doanh dược đã tham gia ủng hộ các túi thuốc điều trị tại nhà như thuốc hạ sốt (Paracetamol 500mg, VitaminC 500mg). Sở Y tế sẽ phân số thuốc nhận được cho các Trung tâm y tế để cấp phát cho người điều trị Covid-19 tại nhà. Theo đó, Hà Nội có 30 quận huyện, thị xã và mỗi trung tâm y tế sẽ nhận được 200 túi thuốc, tổng cộng là 6.000 túi. Mỗi túi sẽ gồm 20 viên paracetamol 500mg và 20 viên Vitamin C 500mg (hoặc Multivitamin).
Hà Nội sẽ cấp túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. |
Trao đổi với báo chí, sáng 7/12, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin, đến hôm nay, sơ bộ đã có 98 trường hợp F0 được điều trị tại nhà, chủ yếu nằm ở địa bàn Hoài Đức, Hà Đông.
Hiện 16 quận, huyện đã triển khai thu dung, điều trị F0 tại các trạm y tế lưu động, 14 quận huyện còn lại đang hoàn thiện để triển khai ngay. Cả 4 quận nội đô cũng sẽ thực hiện thu dung, điều trị F1, F0 thể nhẹ tại các trạm y tế lưu động, tại nhà ngay trong tuần này.
“Hiện nay, trên địa bàn TP, người dân, người bệnh đã có lựa chọn điều trị tại nhà nếu triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng. Khi có nhiều lên, điều quan trọng nhất là người bệnh phải được tiếp cận với dịch vụ y tế sớm nhất, đồng thời phát hiện triệu chứng chuyển tầng điều trị sớm nhất để đưa lên tuyến trên”, bà Hà nói.
Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện TP đã triển khai phần mềm kết nối đến các trạm y tế lưu động, tổng đài 1022 của TP, hệ thống nhắn tin tự động đề nghị người dân khai báo thông tin sức khoẻ của mình ngày 2 lần.
“Ví dụ, 9h nhắn tin một lần: "Bạn cần khai báo thông tin sức khoẻ", đến 15h lại nhắn thêm một lần nữa. Nếu có thông tin về triệu chứng Covid-19 thì sẽ có nhân viên y tế đến thăm khám và phát thuốc”, bà Hà nêu.
Theo bà Hà, ngoài lực lượng y tế, Hà Nội cũng đã triển khai lực lượng hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà. Đây chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện, hội phụ nữ, y tế học đường… để giảm tải áp lực cho ngành y tế.
“Khi điều trị F0 tại nhà, quan trọng nhất là người nào cũng phải được chăm sóc sức khoẻ. Vì thế phải có lực lượng hỗ trợ. Nếu dồn tất cả vào lực lượng y tế thì sẽ quá tải, người dân, người bệnh không được chăm sóc”, bà Hà nhấn mạnh.
Bà cũng khẳng định yếu tố quan trọng là việc khai báo sức khoẻ của người dân thông qua tổng đài và hệ thống mà TP đã cung cấp.
Tuấn Kiệt